Thứ Sáu | 01/02/2013 13:36

Góc tối của người khổng lồ Starbucks (Phần 1)

Đằng sau hoạt động kinh doanh đồ sộ của Starbucks là những góc tối bắt đầu lộ ra như trốn thuế, chuỗi mâu thuẫn trong báo cáo tài chính.
Gian lận thuế của Starbucks tại Anh

20 năm trước, Kris Engskov (hiện là Giám đốc của Starbucks Anh), là một cộng sự đắc lực của Bill Clinton trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng. Một trong những luận điểm chính mà Clinton nhắm vào đương kim Tổng thống George Bush lúc bấy giờ là Bush đã quá nhẹ tay trong việc đánh thuế các tập đoàn lớn đang hoạt động trên đất Mỹ.

Mẩu quảng cáo 30 giây của chiến dịch năm 1992 có đoạn: “Đây là câu hỏi giá 825 tỷ USD. Đó là doanh thu của những tập đoàn nước ngoài đang hoạt động trên đất Mỹ. Nhưng 72% trong số đó không trả một xu thuế. Không một xu nào”.

starbucks
Dù doanh số gần 400 triệu bảng mỗi năm nhưng Starbucks lại liên tục báo lỗ. (Nguồn: Duedil)

Bill Clinton nói rằng nếu ông có cơ hội, ông sẽ thu về thêm cho nước Mỹ 45 tỷ USD trong vòng 4 năm. Các chuyên gia về thuế và kinh tế cho rằng nếu cứng rắn và siết chặt luật thuế thì nước Mỹ sẽ thu về thêm khoảng 1 tỷ USD mà thôi. Vì thực sự là rất khó để biết được lợi nhuận thật của các tập đoàn đa quốc gia và do đó là rất khó để quy trách nhiệm thuế mà các doanh nghiệp này phải thực thi. Tuy vậy, các chuyên gia đã đồng ý rằng luận điểm mà chiến dịch năm 1992 đưa ra là chuẩn xác. Chiến dịch đã thành công. Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ. Và Kris Engskov trở thành một cộng sự trung thành nhất của ngài Tổng thống.

Đó là câu chuyện của 20 năm trước tại Mỹ. Nhưng câu chuyện về các tập đoàn đa quốc gia lách thuế vẫn còn đó. Ngay lúc này, tại Anh, các nhà lập pháp và cộng đồng đang giận dữ vì các tập đoàn nước ngoài hoạt động, thu lợi ngay trên nước Anh nhưng lại trả một khoản thuế “tượng trưng” vô cùng nhỏ. Và cái tên Starbucks đã được “xướng lên” trong danh sách này.
Chuỗi những mâu thuẫn của Starbucks

Năm 2007, trong bảng báo cáo tài chính, Starbucks Anh cho thấy rằng hãng này lỗ liên tiếp trong 10 năm. Nhưng tháng 11 năm đó, Giám đốc vận hành Martin Coles nói với các nhà phân tích vào quý IV rằng lợi nhuận của chi nhánh Starbucks tại Anh giúp Starbucks mở rộng trên các thị trường quốc tế khác. Sau đó, Giám đốc tài chính Peter Bocian nói rằng tỷ suất lợi nhuận từ vận hành là 15% - tương ứng lợi nhuận gần 50 triệu bảng Anh.

Năm 2008, Starbucks Anh báo cáo lỗ 26 triệu bảng. Nhưng cùng năm đó, CEO Schultz nói với các nhà phân tích rằng chi nhánh Starbucks Anh quốc thành công đến mức Schultz muốn dùng những kinh nghiệm mà Starbucks có được tại Anh để áp dụng tại thị trường lớn nhất của Starbucks – nước Mỹ. Schultz đồng thời thăng chức cho Cliff Burrows từ vị trí Giám đốc thị trường Anh và châu Âu sang vị trí Giám đốc Starbucks Hoa Kỳ.

Năm 2009, Starbucks Anh tiếp tục báo lỗ 52 triệu bảng trong khi Giám đốc tài chính của Tập đoàn Starbucks, Troy Alstead nói với các nhà đầu tư rằng chi nhánh Starbucks Anh có lợi nhuận.

Năm 2010, chi nhánh Starbucks Anh tiếp tục báo lỗ hơn 34 triệu bảng. Trong kho đó, Starbucks công bố với nhà đầu tư rằng doanh số tiếp tục tăng trưởng.

Năm 2011, Starbucks Anh lại tiếp tục báo lỗ thêm gần 33 triệu bảng. Nhưng Giám đốc thị trường quốc tế của Starbucks là John Culver thì thông báo với các nhà phân tích trước đó rằng: “Chúng tôi rất hài lòng với hoạt động kinh doanh tại Anh”.

Khi xâu chuỗi tất cả những sự kiện này lại, câu hỏi đặt ra là vì sao và bằng cách nào mà một doanh nghiệp vận hành hơn 13 năm tại Anh Quốc, doanh số ghi nhận được là 3,1 tỷ bảng lại liên tục báo thua lỗ và chỉ đóng thuế 8,6 triệu bảng (tương đương gần 13,8 triệu USD)?

Khi Reuters hỏi Giám đốc tài chính Starbucks Troy Alstead: “Phiên bản nào là đúng”, các bản báo cáo tài chính hay những gì mà các cấp lãnh đạo cao nhất của Starbucks công bố ra bên ngoài? Reuters đã không nhận được câu trả lời trực tiếp. Thay vào đó, Alstead chỉ nói: “Không may là tình hình tại Anh rất rắc rối. Hoạt động kinh doanh trong quá khứ có phần khá hơn trong hiện tại”.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là đối thủ của Starbucks tại Anh, chuỗi quán cà phê của công ty Costa Coffee, đã có doanh số gần tương đương Starbucks Anh trong năm 2011. Starbucks Anh đạt doanh số 398 triệu bảng trong khi Costa Coffee đạt 377 triệu bảng. Tuy nhiên, rất bất ngờ, để đạt doanh số như trên thì Starbucks Anh chi đến 319 triệu bảng, cao gấp 3 lần chi phí mà Costa Coffee bỏ ra. Và hệ quả là Costa phải đóng 15 triệu bảng tiền thuế, còn Starbucks Anh chẳng phải trả xu nào!
Phản ứng của cộng đồng và giới cầm quyền

Trong khi Giám đốc tài chính Starbucks Troy Alstead phải trả lời trước Ủy ban Tài khoản công (PAC), cơ quan giám sát tài chính của chính phủ Anh về việc không đóng thuế vì lỗ, thì bên ngoài, nhóm người tuần hành phản đối hành động của Starbucks, dẫn đầu bởi nhóm các nhà hoạt động chống trốn thuế UK Uncut, đã bắt đầu.

Sự phản ứng của đám đông còn diễn ra trên mạng. Nhiều người dùng Twitter thể hiện sự giận dữ của họ bằng cách đề nghị cộng đồng tẩy chay Starbucks. Thành viên Twitter MummyBarrow nói rằng: “Nếu bạn đang bị xúc phạm như tôi vì Starbucks đã chẳng trả đồng thuế nào tại Anh từ khoản lợi nhuận 79 triệu bảng, hãy tẩy chay họ...”.

starbucks

Ông Michael Meacher, thành viên của Đảng Lao động Anh, cho rằng: “Hành động của Starbucks chống lại một cách sâu sắc lợi ích của quốc gia nơi họ hoạt động và là hành động cực kỳ không công bằng...".

Bà Margaret Hodge, Chủ tịch của PAC nhận định: “Điều đó thật không công bằng. Nó khiến mọi người vô cùng tức giận trong môi trường tài chính hiện tại”. Trước Quốc hội, bà Margaret Hodge công bố thông tin Apple, eBay, Facebook, Google và Starbucks đã tránh được gần 900 triệu bảng tiền thuế. Thủ tướng Anh David Cameron phản ứng trước sự việc này: "Tôi không hài lòng với tình hình hiện nay. Tôi nghĩ rằng HMRC (tổ chức truy thu thuế của Anh) cần nhìn lại rất cẩn thận. Chúng ta cần phải chắc chắn rằng chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào quốc gia này nhưng họ cũng cần phải nộp thuế công bằng".

Về phía Starbucks, hãng này luôn khẳng định họ tuân thủ mọi quy định về thuế ở các quốc gia.

Trên website của Starbucks Anh, Chủ tịch Starbucks toàn cầu Howard Schultz và Giám đốc Starbucks Anh Kris Engskov đã viết hai lá thư giải thích về sự việc đang diễn ra tại Anh, với các thông điệp: “Starbucks chưa bao giờ tránh nộp thuế ở Anh”; “Starbucks luôn tuân thủ các quy tắc kế toán và các luật thuế quốc gia ở tất cả mọi nơi Starbucks kinh doanh”; “Vương quốc Anh là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi và tôi muốn được làm rõ ràng về những đóng góp của chúng tôi cho nước Anh”; “Tôi cũng muốn làm sáng tỏ một số ngộ nhận về một vài khía cạnh trong hoạt động kinh doanh đã ảnh hưởng tới tình hình tài chính của chúng tôi”…

starbucks

Hàng trăm phản hồi của người dùng đã được gửi lên website Starbucks Anh sau khi xem các bức thư này. Người dùng vẫn chưa thể hài lòng theo cách giải thích này. Họ cảm thấy giận dữ và thất vọng.

Khi câu chuyện về Starbucks vẫn còn đang nóng bỏng tại Anh quốc, các quốc gia khác sẽ nhìn vào sự kiện này như thế nào? Và khi không ít người tiêu dùng đang tin vào câu chuyện đẹp như tranh của Starbucks về triết lý “đổ cả tâm hồn vào đáy cốc”, thì câu hỏi đặt ra ngay lúc này là: “Thực ra, Starbucks đang đổ tâm hồn gì vào đáy cốc?”.

Nguồn Giáo dục Việt Nam


Sự kiện