Góc khuất trong số liệu tăng trưởng khủng của Ấn Độ
Số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vừa công bố của Ấn Độ cho thấy nước này vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Một thập niên qua, số liệu trên lên xuống nhiều: từ những năm bùng nổ giữa thập niên 2000, khi dòng tiền dễ dàng và nhu cầu lên cao đẩy GDP đi lên cận mức hai chữ số, qua điểm dừng khó khăn tại thời điểm khủng hoảng tài chính 2008, đến phục hồi ngay lập tức nhờ kích thích kinh tế và cuối cùng là sụt giảm mỗi quý khi các biện pháp kích thích mất tác dụng.
Ấn Độ hiện giờ có vẻ ổn hơn. Các số liệu kinh tế vĩ mô mạnh và tăng trưởng vững chắc. Chính phủ Ấn Độ, đứng đầu là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhắc lại thông điệp này nhiều lần. Những gì giới chức Ấn Độ không tiết lộ là việc chất lượng tăng trưởng kinh tế này thật sự nghèo nàn. Quan sát kỹ hơn, kinh tế quốc gia Nam Á dường như không có gì giống một bài đinh trên báo mà chính phủ đã và đang nói với thế giới.
Thực tế, mức độ tăng trưởng hiện tại trông không hoàn toàn bền vững. Nó được thúc đẩy bởi niềm tin sai lầm của chính phủ rằng họ có thể tăng chi tiêu để bù đắp cho khu vực tư chưa đủ lạc quan để đầu tư. Hai năm qua, tăng trưởng Ấn Độ bước vào thế nằm trong trạng thái quá căng thẳng.
GDP tăng 7,1% trong quý đầu năm tài chính này (năm tài chính của Ấn Độ bắt đầu vào ngày 1.4) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng quý trước đó là 7,8%. Dù vậy, con số này vẫn đủ làm các nền kinh tế ì ạch khác ấn tượng. Phần giá trị được thêm vào từ sản xuất khu vực tư tăng 12% từ tháng 4 đến tháng 6 và ngành công nghệ thông tin mũi nhọn thì tăng trưởng 9,6%.
Dù vậy, nhu cầu mạnh không phải là yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng. Một chỉ số khác do chính phủ đặt ra là chỉ số sản xuất công nghiệp thực tế lại đi xuống, thấp hơn 0,7% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với năm ngoái. Các chỉ số khác của hoạt động kinh tế thực cũng yếu kém. Đơn cử, tiêu thụ thép chỉ tăng 0,3%. Nói cách khác, trong khi bảng cân đối của các doanh nghiệp Ấn Độ trông vẫn tốt, họ không có vẻ như đang sản xuất hay giao thương nhiều.
Chính phủ dường như cho rằng chi tiêu công có thể vực dậy điều này vì phần chi tiêu chính phủ trong GDP tăng lên. Tuy nhiên đây là xu hướng nguy hiểm, mâu thuẫn với lời hứa giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP trong vài năm. Tăng trưởng phụ thuộc chi tiêu công là trường hợp tăng trưởng kém chất lượng nhất và không bền vững trong dài hạn. Nó trông ít giống mức tăng trưởng cao hồi thập niên 2000 và giống như kỳ bùng nổ ngắn, nhờ sự thúc đẩy của chính phủ hậu khủng hoảng tài chính. Ngay cả Thủ tướng Modi cũng thừa nhận rằng tăng trưởng bền vững sẽ không quay lại trừ khi khu vực tư nhân bắt đầu đầu tư.
Vì thế khi chính phủ Ấn Độ và các tổ chức đa phương, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khen ngợi quốc gia Nam Á là một trong những điểm sáng đối với tăng trưởng thế giới, các nhà đầu tư nên tự vấn vài câu hỏi khó. Trước hết, nếu thực trạng đang rất khả quan thì vì sao doanh nghiệp Ấn Độ không đầu tư? Thứ nhì, vì sao vốn ngoại lại kỳ vọng rằng họ có thể hưởng lợi nhuận lâu dài từ Ấn Độ khi vốn trong nước vẫn chưa được tung ra? Cuối cùng, nếu giới doanh nghiệp Ấn Độ không thể xác định các dự án tốt với lợi nhuận bền vững, một công ty ngoại làm thế nào để xác định điều này?
Có một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng có thể đi lên trong những tháng tới, chẳng hạn như thời tiết năm nay thuận lợi hơn năm ngoái, hỗ trợ một chút cho ngành nông nghiệp phụ thuộc vào mưa của Ấn Độ và giúp nhu cầu nông thôn phục hồi. Ở đô thị, nhu cầu sẽ tăng từ quyết định tăng lương của chính phủ.
Song việc này một lần nữa lại đặt chi tiêu chính phủ vào trung tâm trong câu chuyện tăng trưởng. Phép lạ tăng trưởng phụ thuộc vào thời tiết và chi tiêu chính phủ thì không có gì gọi là một phép lạ. Dù số liệu lạc quan, nó vẫn cho thấy một nền kinh tế đang xây đắp nhiều rắc rối nghiêm trọng. Theo góc nhìn này thì cuối cùng, Ấn Độ cũng không là ngoại lệ trong tình cảnh ảm đạm của các thị trường mới nổi.
Nguồn Bloomberg/Thanh niên