e27
Go-Jek muốn biến Indonesia thành xã hội phi tiền mặt
Điều này có vẻ nghịch lý khi mà nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang phải đối mặt với một trở ngại lớn để tiến tới một xã hội không tiền mặt: Đa số công dân không có tài khoản ngân hàng, có nghĩa là họ dựa vào tiền mặt để giao dịch.
Nhưng một trong những start-up của nước này lại cho biết tham vọng nhằm thúc đẩy việc áp dụng các hệ thống thanh toán điện tử tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Go-Jek, một “kỳ lân" công nghệ được cho là có định giá khoảng 3 tỷ USD, có nhiều mảng kinh doanh gồm dịch vụ gọi xe, hậu cần và thanh toán điện tử. Cả 3 mảng này sẽ kết hợp với nhau để hiện thực hóa nỗ lực của công ty nhằm chuyển tiền mặt vào thế giới số, CEO và đồng sáng lập của start-up, Nadiem Makarim, nói với CNBC.
"Tất cả các tài xế trong mạng lưới của chúng tôi hiện tại, khoảng 850.000 tài xế đăng ký, có thể nhận tiền mặt từ khách hàng để nạp các tài khoản Go-Pay của họ", Makarim, đề cập đến nền tảng thanh toán điện tử của công ty.
Ứng dụng Go Pay của Go Jek. Ảnh: Angel List |
Cả tài xế và người đi xe đều có động cơ sử dụng ví điện tử: Một khách hàng nạp tiền vào chương trình Go-Pay sẽ được giảm giá cho các chuyến đi trong tương lai, trong khi tài xế của họ nhận được điểm thưởng.
Hệ thống này cho phép khách hàng không có tài khoản ngân hàng có thể tiếp xúc với ví điện tử, một đại diện của Go-Jek cho biết. Go Jek muốn mở rộng hệ thống này tới các nhà hàng đối tác của hãng, Makarim cho hay.
Đây là một động thái tương tự với Grab, khi mà vào đầu tháng này, hãng dịch vụ gọi xe lớn nhất của Singapore đã tung ra giải pháp thanh toán phi tiền mặt, và mở rộng kinh doanh ra ngoài lĩnh vực vận tải. Grab cho hay hãng này muốn đưa nền tảng thanh toán phi tiền mặt đến hơn 20.000 người bán hàng tại Singapore.
Chuyện thanh toán phi tiền mặt không phải là hiếm nữa, khi mà CNBC từng cho biết vào tháng trước rằng, việc thanh toán phi tiền mặt ở Trung Quốc gia đông dân nhất thế giới trở nên phổ biến đến mức người ăn xin giờ đeo một chiếc thẻ, trên chiếc thẻ này có mã QR, người qua đường chỉ cần quét mã này và chuyển tiền cho người ăn xin thông qua các ứng dụng như là Alipay hay Wechat.
Số người dân Indonesia không có tài khoản ngân hàng vẫn còn lớn. Theo Ngân hàng Thế giới, vào năm 2014, chỉ có 36% người trưởng thành của quốc gia hồi giáo lớn nhất thế giới có tài khoản ngân hàng so với mức 62% của thế giới. Thực tế đó tạo ra một cơ hội to lớn cho Go-Jek, Makarim nói.
"Lĩnh vực thanh toán sẽ là ưu tiên chính của chúng tôi trong năm tới. Năm 2018 sẽ là năm mà ứng dụng Go-Pay rời khỏi hệ sinh thái Go-Jek và sẽ tham gia vào các hoạt động online và offline", ông nói thêm rằng nền tảng thanh toán điện tử muốn trở thành "công cụ tài chính toàn diện cho những người này để họ có thể tiếp cận vào các hàng hoá và dịch vụ kỹ thuật số này".
Theo một nghiên cứu gần đây, khối lượng của các giao dịch thanh toán kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt 726 tỷ vào năm 2020, với các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng nhanh như các nền kinh tế đang phát triển.