Giữ nguyên QE3: May mắn bất ngờ
Hôm qua 18/9, Hội đồng Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày (18-19/9) với quyết định vô cùng bất ngờ: chưa rút dần gói nới lỏng định lượng 85 tỷ USD/tháng, trong khi thị trường đã chuẩn bị tinh thần cho một lần cắt giảm trong tháng 9 trong khoảng 15 tỷ USD.
Đòn "đánh úp" của Fed
Quyết định bất ngờ trên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được đưa ra khi nhiều dự đoán còn đang mải tập trung vào việc tranh cãi cắt giảm bao nhiều và phương thức cắt giảm tốc độ mua trái phiếu kho bạc, chứng khoán thế chấp (MBS), hay kết hợp cả hai.
Thậm chí, ngân hàng Pháp Société Général còn đưa ra bản dự báo khá chi tiết về các lần cắt giảm.
Quyết định của Fed đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng trên Phố Wall phải bất ngờ, từ Jan Hatzius (Goldman Sachs), hay Michael Feroli (JP Morgan) đến Neal Soss (Credit Suisse),... những người đã dự đoán mức cắt giảm từ 10 - 15 tỷ USD sau phiên họp lần này.
Món quà bất ngờ
Đối với thị trường mới nổi, quyết định này của Fed khiến cho nguy cơ dòng vốn tháo chạy được trì hoãn thêm ít nhất 1 tháng nữa.
Kể từ những lời "bóng gió" về cắt giảm của chính chủ tịch Ben Bernanke hồi tháng 5, hiện tượng tháo chạy của dòng vốn khỏi các thị trường mới nổi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự mất giá của hàng loạt đồng tiền của thị trường này, tiêu biểu là các đồng tiền của Ấn Độ, Indonesia và Brazil.
Quyết định chưa rút dần QE3 chẳng khác nào món quà trong ngắn hạn của Fed dành cho các thị trường mới nổi trên.
Đối với kinh tế Mỹ, Fed cũng tuyên bố sẽ không tính chuyện tăng lãi suất cơ bản, hiện đang gần 0%, nếu tỷ lệ thất nghiệp chưa thấp hơn 6,5% và tỷ lệ lạm phát chưa chạm mốc mục tiêu 2,5%.
Bên cạnh đó, việc hạ dự báo tăng trưởng lần thứ 3 trong năm đã bộc lộ rõ quan ngại của Fed đối với tăng trưởng kinh tế, còn chưa đủ để xa rời những liều thuộc kích thích kinh tế.
Các chỉ tiêu còn lại chi phối quyết định của Fed như tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) và tỷ lệ thất nghiệp đều điều chỉnh theo hướng tích cực.
Dự báo PCE năm 2013 được điều chỉnh tăng nhẹ lên 1,1-1,2%, so với 0,8-1,2% dự báo hồi tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp theo kịch bản lạc quan nhất đối với kinh tế Mỹ năm nay giảm từ 7,2% xuống 7,1%.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế là mối lo lắng không những cho QE mà còn đối với việc tăng lãi suất. Fed cho rằng, cần phải có nhiều bằng chứng hơn về sự phục hồi của nền kinh tế đồng thời cảnh báo lãi suất tăng lên có nguy cơ làm tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Quyết định của Fed không chỉ hỗ trợ hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế, mà còn góp phần gỡ rối cho Quốc hội Mỹ trong việc có nâng trần nợ hay không trong tháng tới.
Bởi nếu vừa không nâng trần nợ, vừa cắt giảm kích thích kinh tế, tình hình tài chính Mỹ sẽ thực sự lâm vào tình trạng căng thẳng thanh khoản. Nợ công sẽ chạm trần 16.700 tỷ USD vào giữa tháng 10 tới, khi đó kịch bản bị hạ xếp hạng tín nhiệm và nhu cầu thanh toán của trái chủ gia tăng có thể gây thiệt hại "không thể khắc phục" cho nền kinh tế Mỹ, như lời cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Jack Lew vừa mới đưa ra ngay trước thềm cuộc họp của FOMC.
Tuy nhiên, theo những lập luận gần đây, tình trạng bong bóng tài sản là thách thức đối với chủ tịch Ben Bernanke, liệu có thêm một thời kỳ "những bong bóng tài chính" của Bernanke?
Các thành viên FOMC và ông Bernanke chắc chắn có thể lường trước điều đó, nhưng còn những mục tiêu lớn hơn họ phải cân nhắc, bởi lợi ích quốc gia luôn là trên hết. Giữ nguyên gói QE3, đồng nghĩa với việc các nền kinh tế đang gặp khó như Ấn Độ và Indonesia có thêm 1 tháng nữa để ổn định tình hình trong nước và ngăn chặn đà mất giá của đồng nội tệ. Tuy nhiên, những điều may mắn bất ngờ Fed dành cho các thị trường mới nổi, chỉ như việc gánh nước đã vô tình tưới ướt những bông hoa ven đường mà thôi.
Nguồn Dân Việt