Giới tài phiệt bỏ BRICS sang Đông Nam Á và Châu Phi
Nhưng BRICS của ngày hôm nay không còn đúng với “lời tiên tri” đầy màu hồng 12 năm về trước của chiến lược gia Jim O’Neill tại ngân hàng Goldman Sachs, thực tế khối kinh tế này không phát triển tốt như mong đợi.
O’Neill từng đánh giá sau vụ 11-9-2001, Mỹ và châu Âu đối mặt với nguy cơ tụt hậu kinh tế. Ông tin rằng các nước BRICS sẽ trở thành những đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu. O’Neill tư vấn cho khách hàng đầu tư vào các thị trường mới nổi này.
Trong nhiều năm, O’Neill được đánh giá là “nhà tiên tri” thành công. Từ năm 2001 đến 2012, bộ tứ BRIC, sau đó cộng thêm Nam Phi thành bộ ngũ BRICS, phát triển vùn vụt với tỉ lệ tăng trưởng cao cùng các nền kinh tế mới nổi khác trong khi Mỹ và châu Âu chật vật với khủng hoảng.
Tuy nhiên, hiện nay mỗi nền kinh tế trong BRICS lại đang đối mặt với một vấn đề khác nhau. Trước những lo ngại này, các công ty tư nhân ngày càng “rót” tiền vào những thị trường kém phát triển hơn, đặc biệt là Đông Nam Á và Châu Phi cận Sahara với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.
Theo một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội đầu tư tư nhân tại các thị trường mới nổi, tiền đầu tư đổ vào những thị trường mới nổi không thuộc BRICS năm 2013 tăng 18%, lên mức kỷ lục 11 tỷ USD trong vòng 5 năm qua và chiếm 44% tổng số vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi.
Trong khi đó, tổng số vốn đầu tư vào BRICS năm 2013 giảm 20% so với năm 2012 và giảm 38% so với năm 2011.
Theo Aly Jeddy, đối tác tại tập đoàn đầu tư tư nhân toàn cầu Abraaj, các nhà đầu tư chắc chắn đang xem xét các thị trường ngoài BRICS vì họ nhận thấy tăng trưởng tiêu dùng đang gia tăng tại những thị trường mới nổi ngoài BRICS này.
Không có khu vực nào soán ngôi khu vực Đông Nam Á trong việc nhận tiền đầu tư vào các thị trường mới nổi ngoài BRICS.
Năm 2013, các nhà quản lý quỹ đã đầu tư mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm với 2,2 tỷ USD và huy động được 2,9 tỷ USD – mức cao nhất trong vòng 6 năm qua từ khu vực Đông Nam Á. Năm 2011, các nước mới nổi trong khu vực châu Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam chỉ nhận được 7% đầu tư tư nhân. Năm 2012, con số này đã lên tới 17% và đạt 23% vào năm 2013.
Cũng theo EMPEA, năm ngoái các công ty tư nhân đầu tư 15,7 tỷ USD vào 573 thương vụ tại khu vực Đông Nam Á, nhiều hơn bất cứ khu vực nào trên toàn cầu. Trung Quốc nối gót với 6,7 tỷ USD cho 256 thương vụ, Ấn Độ nhận 3,4 tỷ USD cho 234 thương vụ, Brazil nhận 2,7 tỷ USD cho 55 thương vụ và Nga nhận 295 tỷ USD với 33 thương vụ.