Thứ Hai | 15/10/2012 14:24

Giới tài chính toàn cầu vẫn bế tắc trong giải quyết khủng hoảng

Hội nghị IMF tuần qua là cơ hội để thế giới tìm ra cách đối phó khủng hoảng, song các nhà lãnh đạo tài chính lại không tìm được tiếng nói chung.
Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (World Bank), tổ chức tại Tokyo vào cuối tuần qua, không những không tìm ra được giải pháp tối ưu nhằm vực dậy nền kinh tế toàn cầu, mà còn làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn dai dẳng giữa một số nền kinh tế lớn nhất. Điều đó cũng đồng thời làm tăng hoài nghi về khả năng thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu của các cường quốc.

Tại hội nghị, các quan chức châu Âu như thường lệ lại sa vào những cuộc tranh luận về những thiệt do chương trình thắt lưng buộc bụng và cắt giảm chi tiêu gây ra. Hậu quả là, những gì họ chẳng chuẩn bị được gì cho hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro (eurozone) sắp tới ngoài một kế hoạch không rõ ràng nhằm giải cứu Hy Lạp.

Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, và Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim.
Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, và Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim.

Bên cạnh đó, những mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế đứng thứ 2 và thứ 3 của thế giới, cũng được đặt lên bàn hội nghị, song cũng không đạt được kết quả nào và các nhà phân tích có cơ sở để lo ngại tăng trưởng toàn cầu sẽ phải đối mặt với nguy cơ mới. Khi không đạt được tiếng nói chung, các nhà lãnh đạo tài chính lại đổ lỗi cho Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng hiện tại vì không ngăn chặn được thâm hụt ngân sách.

Những tranh cãi không hồi kết đó khiến nhiều người nhớ lại thời điểm này cách đây 4 năm, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, hội nghị thường niên giữa IMF và World Bank thực sự là cơ hội để thế giới chung tay đối phó với khủng hoảng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng loạt gói kích thích cùng nỗ lực giải cứu các ngân hàng đã thực sự mang lại hiệu quả. Nhưng cho đến hiện tại, ngay cả khi IMF cảnh báo rằng thế giới đang bên bờ vực suy thoái, các quan chức tài chính tiếp vẫn phó mặc và tiếp tục đặt hy vọng vào hội nghị sắp tới.

Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đã không giấu nổi sự thất vọng và cho biết: "Những phản ứng chậm chạp với cuộc khủng khoảng, đặc biệt là eurozone, đang khiến các vấn đề khó giải quyết ngày một chồng chất. Ở thời điểm này, sẽ rất khó có thể đưa ra một giải pháp dễ dàng".

Quả thực, với một loạt vấn đề nảy sinh, cả về chính trị và kinh tế, trên khắp thế giới, việc tìm kiếm được giải pháp là điều hoàn toàn không dễ dàng. Có thể nói, mỗi khu vực và mỗi nền kinh tế đều phải đối mặt với những khó khăn riêng biệt.

Thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Ewald Nowotny, nhận định: "Châu Âu không phải là khu vực duy nhất gặp khó khăn về kinh tế. Vách đá tài chính của Mỹ cùng sự chậm lại của châu Á cũng là những vấn đề rất đáng lưu tâm".

Hội nghị thường niên IMF và World Bank năm nay được coi là cơ hội để thế giới tìm kiếm cách giải quyết khủng hoảng, song lại đạt kết quả không như mong đợi.
Hội nghị thường niên IMF và World Bank năm nay được coi là cơ hội để thế giới tìm kiếm cách giải quyết khủng hoảng, song lại đạt kết quả không như mong đợi.
Tại châu Âu, vào ngày 18 và 19/10, các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau họp mặt tại Brussels để đưa ra quyết định về biện pháp giải cứu Hy Lạp và ngăn chặn Athens rời eurozone. Tuy nhiên, bộ trưởng tài chính Thụy Điển đã khiến toàn hội nghị sửng sốt khi gợi ý rằng tốt nhất Hy Lạp không nên ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang cố gắng thuyết phục Tây Ban Nha chấp nhận cứu trợ, trước khi các nhà đầu tư mất kiên nhẫn và gây ra làn sóng bất ổn mới cho thị trường.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, Bắc Kinh đang phải vật lộn tìm kiếm giải pháp ngăn chặn tăng trưởng kinh tế suy giảm, song hành với đó là những khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận về chính trị khi quá trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo sau một thập kỷ sắp sửa bắt đầu.

Hôm 18/10 tới đây, Bắc Kinh sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP quý III, đó sẽ là cơ hội để các nhà nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận tình trạng thực sự của nền kinh tế đất nước. Hôm nay 15/10, Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 tăng 1,9%, giảm so với tháng 8.

Tại Mỹ, các quan chức Washington chỉ có 12 tuần để khơi thông bế tắc trong cắt giảm thâm hụt ngân sách trước khi các hoạt động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đẩy nền kinh tế lớn nhất vào suy thoái. Trong khi đó, thời hạn dành cho Nhật Bản thậm chí còn ngắn hơn, khi Tokyo chỉ còn đúng 1 tháng để dàn xếp những mâu thuẫn chính trị trước khi bắt tay vào bước vào cuộc chiến giải quyết núi nợ công khổng lồ.

Không giống như khủng hoảng tài chính năm 2008, khi các nhà hoạch định chính sách có một mục tiêu rõ ràng: Đó là giải cứu hệ thống tài chính, nới lỏng chính sách tiền tệ và khởi động chương trình kích cầu của chính phủ. Nhưng với những khó khăn hiện tại của thế giới, lựa chọn của họ hạn chế hơn rất nhiều khi các chính phủ phải cắt giảm ngân sách, đại tu nền kinh tế cơ bản mặc dù bản thân họ cũng không muốn kinh tế suy giảm.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel, ông Stanley Fisher, nhận định: "Bầu không khí chung của toàn bộ nền kinh tế thế giới đang trở nên ảm đạm. Và hiển nhiên những kỳ vọng cũng không mấy tích cực ở thời điểm này".

Các ngân hàng trung như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hay các ngân hàng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Australia đã thực sự tận dụng hết quyền hạn và năng lực của mình để hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, trách nhiệm đang thuộc về lãnh đạo các nước, những người đã trì hoãn hành động cứng rắn trong nhiều năm qua để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi.

Để phục hồi kinh tế, họ phải nhanh chóng vượt qua những rào cản chính trị để đạt được những bước đột phá trong kinh tế, thay vì chỉ giành thời gian tranh cãi và đổ lỗi cho nhau như những ngày qua, các nhà phân tích nhận định.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện