Giới tài chính có thích trừng phạt Nga?
Tiếp theo là gì nữa? Cho đến nay, biện pháp trừng phạt “cộng thêm” vẫn chưa có gì mới. Nhưng chỉ chuyện dọa nhau không thôi, đủ làm thị trường tài chính hồi hộp và mệt mỏi.
Giới tài chính và kinh doanh hàng hóa chẳng thích thú gì chuyện trừng phạt vì những thiệt hại trực tiếp đều giáng lên đầu họ. Như một vị đại biểu nghị viện châu Âu, ông Pino Arclacchi, và nhiều nhà kinh doanh cho rằng “đòn nào chả có phản đòn”, đặc biệt vị thế châu Âu đối với Nga hoàn toàn khác với Mỹ trong đợt trừng phạt “lẫn nhau” này. Vị trí địa chính trị của Mỹ ở quá xa để chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đợt trừng phạt này so với châu Âu.
Thị trường chưa kịp hoàn hồn với tình cảnh rút vốn của giới tài chính Nga khỏi Cộng hòa Síp làm ngành ngân hàng của đảo quốc nhỏ bé này một phen “khô máu”, gây đau đầu cho giới lãnh đạo các nước sử dụng đồng euro (eurozone) của EU.
Từ lâu, Thụy Sỹ là trung tâm giao dịch tài chính và hàng hóa lớn của thế giới. Mỗi khi nghe “trừng phạt”, các ông chủ nhiều hãng tài chính và ngân hàng ở đây đều “ớn” và họ mong sao cho Thụy Sỹ đừng leo lên xe thân chinh trừng phạt Nga cùng các nước lân bang.
Hiện có đến trên 75% lượng xăng dầu và khí đốt của Nga được giao dịch ở Geneva của Thụy Sỹ. Thành phố này cũng là trung tâm giao dịch ngũ cốc và hạt có dầu lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba lượng giao dịch toàn cầu và 100% của cả châu Âu. Ukraine lại là nước sản xuất ngũ cốc và bắp lớn thứ ba thế giới. Căng thẳng với Nga làm Ukraine giảm nhanh giao dịch và làm giá các loại nông sản này chao đảo ghê hồn. Ngay cả Nga thường phải mua một lượng lớn cà phê và hồ tiêu để tiêu thụ, nhưng trước đều giao dịch thông qua các ông lớn đóng tại đó. Liệu cửa này đang khép dần để tạo cơ hội cho Việt Nam?
Chỉ một thời gian ngắn trước khi Mỹ áp lệnh trừng phạt, một tỷ phú xăng dầu Nga đã bán hết cổ phiếu của mình trong một tập đoàn xăng dầu đóng tại Geneva. Nghe rằng doanh thu năm 2012 của công ty xăng dầu ấy trên 90 tỷ USD. Ngoài ra, một nhóm kinh doanh xăng dầu khác có người Nga tham gia, cũng đạt doanh thu hàng năm đến trên 300 tỉ đô la Mỹ, nay chuyện họ thoái vốn hay không vẫn chưa được tiết lộ.
Nhiều ngân hàng kinh doanh, chuyên ứng vốn đầu tư và làm dịch vụ tài chính trên các sàn hàng hóa như BNP Paribas, Société Générale và Credit Agricole (Pháp), Credit Suisse và các đại gia ngân hàng khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề do các nhà đầu tư hai phía đang phải “ém quân phòng thủ”.
Vào đợt khủng hoảng tại đảo Síp, các nhà đầu tư Nga đã rút sạch vốn sang London, Zurich, Geneva. Con số bao nhiêu vẫn là bí mật ngân hàng, nhưng nhiều người tin là rất lớn. Đơn cử năm 2012, Tổng cục Thống kê Nga (Rosstat) cho biết chỉ riêng với Thụy Sỹ, vốn đầu tư từ nước này chảy vào Nga là 47 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong năm và từ Nga chảy qua Thụy Sỹ là 50,7 tỷ USD.
Chớ quên rằng Nga cũng là nước cung ứng nguyên liệu lớn có hạng của thế giới cho các ngành công nghiệp quan trọng. Ngoài xăng dầu, khí đốt thiên nhiên, cả thế giới và đặc biệt là các nước công nghiệp châu Âu còn cần khoáng sản, kim loại tinh chế và khoáng sản công nghiệp từ Nga… Chính vì thế, khi trừng phạt Nga và doanh nghiệp nước này, các hãng sản xuất công nghiệp và nền kinh tế châu Âu cũng chịu “phản đòn” tiêu cực từ chính các biện pháp trừng phạt của xứ mình.
Lấy thí dụ vài trường hợp như nickel, là chất để sản xuất thép không gỉ, Nga là nước sản xuất lớn thứ hai sau Trung Quốc. Năm 2013, Nga xuất khẩu 13% tổng lượng tiêu thụ nickel toàn cầu. Hoặc hàng năm Nga sản xuất chừng 6% khối lượng cobalt của toàn cầu (chất sử dụng cho ngành công nghiệp thép).
Nga cũng là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu vanadium dùng trong ngành thép và hợp kim. Nhiều nước cũng cần tungsten và titan của Nga, ngay cả hai hãng chế tạo máy bay Boeing và Airbus nếu không có titan thì có khi phải bó gối.
Về mặt đầu tư, trừng phạt của phương Tây có thể sẽ làm các nhà lãnh đạo Nga quay sang phía Đông. Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ nguyên liệu và các hợp kim tinh chế và nay Trung Quốc đang dần dần thâu tóm nhiều tập đoàn khai thác nguyên liệu khoáng sản. Mới đây, Trung Quốc đã mua dự án mỏ đồng lớn tại Peru với giá 5,85 tỷ USD từ hãng Glencore Xstrata. Nhiều nhà phân tích đang ngại Trung Quốc đẩy nhanh chiến dịch thâu tóm ngành khai thác và sản xuất nguyên liệu khoáng sản để dễ dàng khống chế thị trường cả về lượng lẫn về giá.
Tuy các biện pháp “trừng phạt” mà Mỹ và các nước châu Âu sẽ áp dụng đối với Nga chưa thấy kết quả cụ thể, nhiều nhà chính trị, như bà Federica Mogherini, Bộ trưởng Ngoại giao Italia, trả lời phỏng vấn của báo Corriere della Sera đã lên tiếng “nếu cứ hở là đòi tuyệt giao, không chóng thì chầy chúng ta sẽ đưa thế giới đến chỗ mất kiểm soát…”.