Văn phòng gia đình, nơi quản lý tài sản của một hoặc nhiều gia đình với tầm nhìn tổ chức và cơ cấu quản trị rõ ràng, là một khái niệm tương đối mới ở Nhật Bản. Ảnh: Yo Inoue.
Giới siêu giàu Nhật Bản tích cực tìm kiếm nhà quản lý tài sản
Văn phòng gia đình (family office) là một công ty tư nhân đảm nhận việc quản lý đầu tư và quản lý tài sản cho một gia đình giàu có, thường là một gia đình có ít nhất 50–100 triệu USD tài sản có thể đầu tư, với mục tiêu là phát triển và chuyển giao của cải một cách hiệu quả qua các thế hệ.
Và việc thành lập các văn phòng này đang phát triển ở Nhật Bản, khi các chủ doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp tổng thể cho các mối lo ngại từ bảo vệ tài sản gia đình khỏi lạm phát đến lập kế hoạch thuế.
Deloitte Tohmatsu đã ra mắt dịch vụ văn phòng gia đình tại Nhật Bản trong tháng này. Tiếp theo động thái đó là việc chuỗi cửa hàng bách hóa Takashimaya mua lại công ty khởi nghiệp quản lý tài sản Vaste Culture của Nhật Bản, nơi cung cấp các dịch vụ bao gồm văn phòng gia đình và hoạt động từ thiện.
Money Forward, nhà điều hành các ứng dụng quản lý tiền phổ biến, đã bắt đầu cung cấp dịch vụ văn phòng gia đình cùng với PrivateBank, nhà điều hành văn phòng gia đình có trụ sở tại Tokyo. Các đối tác đã thành lập một liên doanh vào tháng 2.
Văn phòng gia đình, nơi quản lý tài sản của một hoặc nhiều gia đình với tầm nhìn tổ chức và cơ cấu quản trị rõ ràng, là một khái niệm tương đối mới ở Nhật Bản. Các chủ doanh nghiệp thường thành lập các công ty cổ phần cá nhân, nhưng những công ty này thường thiếu hệ thống quản trị phù hợp, chẳng hạn như hiến pháp gia đình và hội đồng giải quyết xung đột, đồng thời họ không có chiến lược đầu tư tích cực.
Số lượng cá nhân với tài sản ròng từ 50 triệu USD trở lên (nghìn người). Ảnh: Nikkei Asia. |
Ông Hirowaka Murakami, Giám đốc Đầu tư tại Văn phòng gia đình Yamauchi No. 10, cho biết: “Thay vì giao hoạt động đầu tư cho người khác, chúng tôi tự mình đưa ra quyết định đầu tư và đầu tư vào các công ty mà chúng tôi cho là có triển vọng hoặc được điều hành bởi các nhà quản lý giỏi”.
Trong lịch sử, Nhật Bản có ít tỉ phú hơn các nước khác do thuế thừa kế cao lên tới 55%. Vào năm 2022, theo UBS Global Wealth Databook, có 1.094 người Nhật có tài sản ròng từ 100 triệu USD trở lên, đưa Nhật Bản đứng thứ 13 sau Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, điều đó có thể đang thay đổi nhờ nền kinh tế đang phục hồi và thị trường tài chính bùng nổ. Ông Takayuki Sato, Chủ tịch của PrivateBank, đơn vị cung cấp dịch vụ cho hàng chục gia đình giàu có với tài sản tài chính ít nhất 10 tỉ yên, cho biết: “Số lượng cá nhân giàu có ngày càng tăng do giá bất động sản tăng, thị trường chứng khoán bùng nổ, nhiều công ty khởi nghiệp IPO và nhiều người kiếm tiền bằng tiền điện tử hơn”.
Giá cổ phiếu Nhật Bản đã tăng khoảng 50% kể từ đầu năm 2022, trong khi giá chung cư ở Tokyo đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi những người giàu có ngày nay quan tâm đến đầu tư hơn trước vì đồng yên mất giá mạnh, mất 27% giá trị so với đồng đô la kể từ đầu năm 2022.
Nhiều khách hàng của ông Sato là chủ sở hữu của các công ty công nghệ đã niêm yết trong vòng 10 năm qua. Bằng cách kết hợp với mạng lưới các công ty công nghệ của Money Forward và chuyên môn về ứng dụng di động, PrivateBank kỳ vọng mở rộng cơ sở khách hàng của mình, với mục tiêu quản lý tài sản trị giá 10 nghìn tỉ yên trong mối quan hệ hợp tác với Money Forward.
Gần đây hơn, Vaste Culture, một công ty khởi nghiệp về quản lý tài sản, đã quyết định gia nhập Tập đoàn Takashimaya, đặt cược rằng khách hàng của nhà bán lẻ cao cấp này sẽ trở thành những khách hàng tốt. Đơn vị này cung cấp một loạt các dịch vụ, từ quản lý tài sản, sắp xếp việc học ở nước ngoài cho các thành viên trong gia đình đến tư vấn về hoạt động từ thiện.
"Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu quản lý 1 nghìn tỉ yên tài sản", ông Kotaro Yamamoto, đồng Giám đốc Điều hành của Vaste Culture cho biết. Quan hệ đối tác với Takashimaya sẽ mang đến cho khách hàng của công ty cơ hội đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật và đồ trang sức, ông nói thêm.
Ông Koh Shimizu, Phó giám đốc bộ phận ngân hàng tư nhân của Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust, nhấn mạnh cam kết của công ty đối với lĩnh vực khởi nghiệp - có thể mang lại lợi nhuận dưới hình thức tăng thêm doanh thu từ các đợt IPO và từ việc quản lý tài sản cho các chủ startup.
Phân bổ tài sản tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia. |
Ông Ryosuke Higuchi, người đứng đầu Dịch vụ Văn phòng Gia đình Deloitte Tohmatsu, cho biết nhiều hộ gia đình giàu có mà Deloitte phục vụ sở hữu các công ty cỡ trung bình, thường có doanh thu ít nhất hàng trăm triệu USD và hơn 1.000 nhân viên.
Các công ty này chủ yếu do chủ sở hữu quản lý. Ông Higuchi nói: “Thông thường, các công ty thuộc sở hữu của chủ sở hữu gặp phải các vấn đề về quản trị ngay khi có chuyện gì xảy ra với người sáng lập”. Ông nói thêm, “Sẽ khôn ngoan hơn nếu thiết lập một cơ cấu ra quyết định” trước khi những vấn đề như vậy nảy sinh.
Văn phòng gia đình còn khá mới ở châu Á, bắt đầu phát triển vào khoảng năm 2010, khi cuộc cách mạng điện thoại thông minh tạo ra nhiều tỉ phú ở Trung Quốc, một số người trong số họ đã đa dạng hóa khoản đầu tư của mình trong khu vực và thành lập văn phòng gia đình ở những nơi như Singapore và Hong Kong.
Money Forward ước tính có khoảng 15.000-20.000 văn phòng gia đình trên toàn thế giới. Theo chính quyền Singapore, nước này có khoảng 1.400 văn phòng tính đến cuối năm 2023. Trong khi Hong Kong ước tính có 2.700 văn phòng gia đình.
Có thể bạn quan tâm:
Tốc độ phát triển khoa học vượt bậc của Trung Quốc có gì đáng ngại?
Nguồn Nikkei Asia