Chủ Nhật | 22/04/2012 12:52

Giới giàu có châu Âu muốn định cư ở châu Á

Khủng hoảng và áp lực lập pháp ở phương Tây khiến các công ty gia đình đẩy nhanh việc chuyển sang châu Á như Singapore và Hồng Kông.
Những năm 1470, Spinola, gia đình giàu có và danh tiếng tại Genoa, đã cử Christopher Columbus làm đại diện kinh doanh tập sự tại Barcelona để giải quyết và quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển, chuẩn bị hành trang để chàng thủy thủ trẻ tuổi này thực hiện các chuyến thám hiểm khám phá ra Thế giới mới sau đó.

Ngày nay, gia đình Italia này và các gia đình siêu giàu có khác đang chuyển khối tài sản của họ sang Singapoce bằng cách thành lập các văn phòng gia đình tại đảo quốc thường được coi là Thụy Sỹ của châu Á.

Người giàu châu Âu và châu Mỹ từ lâu đã ngắm phương Đông làm nơi xây dựng và bảo tồn khối tài sản của họ, nhưng chỉ mới đến gần đây họ mới bắt đầu mở các văn phòng gia đình – công ty tư nhân quản lý đầu tư của các gia đình giàu có - ở khu vực này một cách nghiêm túc.

Federico Spinola, tộc trưởng dòng họ Spinola, từ New Caledonia – quần đảo Thái Bình Dương được coi là “Miền đất của Mùa xuất vĩnh cửu” - nói với Reuters rằng: “Vì châu Á là nơi chúng tôi đã đầu tư rất nhiều – trên 50% tài sản của chúng tôi nằm ở châu lục này suốt 15 năm qua – nên chúng tôi cảm thấy càng trở nên gần gũi hơn”.

Theo Campden Wealth, tổ chức chuyên tiến hành nghiên cứu và cung cấp dữ liệu về văn phòng gia đình, từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có đến 10 văn phòng gia đình châu Âu đã chuyển sang Singapore, mang theo khối tài sản trị giá 5-10 tỷ USD.

Singapore, trung tâm đầu tư và ngân hàng toàn cầu nằm ở giữa Đông Nam Á, là một địa điểm hấp dẫn nhờ quy trình đăng ký hiệu quả, quy định không quá khắt khe, lưu chuyển tiền tệ tmạnh, hạ tầng tài chính tốt và thuế suất thấp.

Singapore cũng cung cấp dịch vụ mua sắm cao cấp, nhà hàng, khách sạn, sân golf sang trọng và bến tàu đầy ắp du thuyền hạng sang để giúp người giàu tiêu tiền và thư giãn. Triển vọng của châu Á hết sức hấp dẫn trong khi các nền kinh tế châu Âu và Mỹ có vẻ yếu ớt.

Sau khủng hoảng, áp lực lập pháp ở phương Tây và sự sụp đổ của các trung tâm nước ngoài đã khiến văn phòng gia đình đẩy nhanh việc chuyển sang Singapore và Hồng Kông.

Các tổ chức tài chính quy mô lớn, cảm nhận được tác động của môi trường ngân hàng đầu tư khắc nghiệt hơn và yêu cầu vốn cao hơn, đang cân nhắc các biện pháp hành động.UBS, người khổng lồ trong ngành ngân hàng Thụy Sỹ, đã thành lập nhóm văn phòng gia đình nhằm cung cấp dịch vụ cho trên 20 khách hàng Châu Á đang sở hữu khối tài sản 200 triệu USD hoặc hơn.

Những tổ chức khác như Credit Suisse, HSBC và RBC Wealth cũng đang tìm hiểu các văn phòng gia đình cùng với Tập đoàn DBS trụ sở tại Singapore.

Theo tính toán của Campden Wealth, trên thế giới hiện có khoảng 2.500 văn phòng gia đình. Châu Á có khoảng 150-200 văn phòng – bằng 1/2 ở Australia và Nhật Bản – nhưng con số này đang tăng lên cùng với sự gia tăng số người giàu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Cuộc khảo sát gần đây của Campden và UBS cho thấy khối lượng tài sản mà các hãng gia đình quản lý dao động từ 50 triệu USD đến trên 1 tỷ USD, với mức lợi nhuận trung bình 9,1% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 10/2011.

Mục đích của văn phòng gia đình Spinola và các gia đình khác rất đơn giản: kiểm soát sự giàu có của họ, tối đa hóa lợi nhuận và giảm tối đa mức phí phải trả cho các nhà quản lý tiền tệ theo mô hình ủy ban.

David Bain, trưởng nhóm nghiên cứu của Campden Wealth, cho biết “Singapore đang thắt chặt quy định về các tổ chức nước ngoài nhưng sẽ tiếp tục là nơi rất hấp dẫn đối với các văn phòng gia đình và văn phòng đầu tư. Không một chính phủ nào trên thế giới cam kết thu hút tiền của các cá nhân/tổ chức/gia đình siêu giàu như vậy”.

Theo Donald Riegger, chuyên gia về văn phòng gia đình của Deloitte&Touche LLP trụ sở tại Singapore – chuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ kế toán toàn cầu, các gia đình giàu có từ Châu Âu, Châu Mỹ đang tìm cách thành lập cửa hàng cửa hiệu ở Châu Á do lo ngại về tình hình ngân hàng ở Thụy Sỹ, Luxembourg và Liechtenstein.

Tuy nhiên, ông này cũng thực sự chưa hiểu rõ lý do các gia đình giàu có lại làm như vậy. Đối với một người Mỹ, họ không sang châu Á để tránh phải nộp thuế, nhưng nếu bạn là một người châu Âu đang tìm kiếm cấu trúc thuế tốt hơn thì Singapore không phải là nơi như vậy. Quan tâm đến hoạt động kinh doanhSpinola, người đã từng làm việc tại tập đoàn đồ uống Italia Martini&Rossi và quản lý các hãng nông nghiệp tại Achentina trước khi thành lập Parly SA tại Geneva năm 1993, không lạ gì việc đầu tư vào hoặc sang châu Á.

Hiện ông này và gia đình muốn có mối liên kết trực tiếp hơn với việc đồng tiền của họ được quản lý thế nào ở khu vực này, mặc dù thành công là chưa chắc chắn khi xét đến tính bất ổn của thị trường cộng với rất nhiều rủi ro chính trị, đầu tư và luật pháp ở nhiều nước Châu Á.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện