Giới doanh nghiệp quốc phòng hưởng lợi từ mâu thuẫn Hàn-Triều
Căng thẳng leo thang
Ngày 20/8, Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho quân đội luôn trong tư thế sẵn sàng sau một cuộc đấu pháo căng thẳng giữa quân đội hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên trong gần 5 năm nay có một cuộc đấu pháo như vậy: Phía Hàn Quốc cho biết họ đã bắn hàng chục quả đạn pháo để đáp trả lại việc Triều Tiên bắn rocket vào khu vực biên giới.
Trước đây vào năm 2010, Triều Tiên cũng từng nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, làm 2 binh sĩ và 2 dân thường của Hàn Quốc thiệt mạng.
Được biết, chiến tranh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã kết thúc cách đây 60 năm nhưng hai bên chưa bao giờ ký hiệp định hòa bình mà chỉ có hiệp ước đình chiến. Vì thế, những động thái kỳ này có thể châm ngòi cho xung đột lớn giữa hai nước.
Mâu thuẫn đã có thể bắt nguồn từ việc Triều Tiên cho rằng chương trình phát sóng trên loa phát thanh của Hàn Quốc ở biên giới đã làm tổn hại hình ảnh của Triều Tiên. Chương trình này đã cáo buộc rằng phía Triều Tiên đã cố tình cài mìn tại khu phi quân sự ở biên giới và làm bị thương hai binh sĩ Hàn Quốc.
Triều Tiên đã gửi một tối hậu thư cho phía Hàn Quốc, trong đó yêu cầu nước này phải chấm dứt các hoạt động tuyên truyền trong vòng 48 giờ đồng hồ. Phía Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng các chỉ huy cao cấp của họ đã được cử đến tiền tuyến.
Phía Hàn Quốc cho biết họ sẽ duy trì quân đội trong trạng thái báo động và sẵn sàng mạnh tay đáp trả với các hành động từ phía Triều Tiên. Ông Go Myung-hyun - một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan nhận định: “Triều Tiên đang tìm cách gây áp lực buộc Hàn Quốc nhượng bộ trên bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng điều này có thể chỉ gây ra phản tác dụng mà thôi."
Bùng nổ cổ phiếu quốc phòng
Dù người Hàn Quốc không quá lạ lẫm với những mâu thuẫn như thế này, nhưng các diễn biến căng thẳng kể trên đã khiến cho chỉ số Kospi giảm 2,3% trong phiên giao dịch hôm nay, chạm mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Đáng chú ý là cổ phiếu của hai công ty Romanson và Shinwon đang có nhà máy tại khu công nghiệp Kaesong, vốn là liên doanh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, đã lần lượt giảm tới 8,2% và 9,5%.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ quốc phòng thì lại gia tăng mạnh. Giá cổ phiếu của công ty sản xuất linh kiện tàu chiến Speco đã tăng 19%, trong khi hãng sản xuất thiết bị chiến tranh điện tử Victek tăng đến 29%.
Hiện tại phía Hàn Quốc đang theo dõi sát sao thị trường để có bước chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Thứ trưởng Bộ Tài chính - Joo Hyung Hwan cho biết thêm rằng giới hoạch định chính sách của Hàn Quốc cũng đang xem xét đến những rủi ro bắt nguồn từ chính sách tiền tệ của Mỹ, và tình hình nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Một quan chức của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc là Park Sung Joon cũng cho biết cơ quan này đã tổ chức một cuộc họp nội bộ để thảo luận ảnh hưởng từ các hành động của Triều Tiên.
Đinh Hạnh
Nguồn Bloomberg, FT