Dự báo từ các nhà kinh tế đa số cho rằng, kinh tế eurozone sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm tới. Ảnh: WSJ.
Giới chuyên gia dự báo kinh tế châu Âu 2024 tăng trưởng yếu ớt
Nền kinh tế khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) dự kiến tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024, mặc dù tiền lương có thể tăng nhanh hơn lạm phát lần đầu tiên trong 3 năm.
Gần 2/3 trong số 48 nhà kinh tế học cho biết, họ tin rằng eurozone đã rơi vào suy thoái, thường được xác định dựa trên tình trạng của một nền kinh tế với 2 quý giảm liên tiếp của GDP so với quý trước.
“Chúng tôi không xem đây là một cuộc suy thoái thực sự, thay vào đó đây là một giai đoạn trì trệ trong tăng trưởng. Ngoài ra, chúng tôi dự báo sẽ có sự phục hồi từ từ trong năm 2024, thay vì nền kinh tế tiếp tục xấu đi”, ông Paul Hollingsworth, Nhà kinh tế trưởng về châu Âu của ngân hàng BNP Paribas, cho biết.
Hầu hết các nhà kinh tế khi được hỏi đều cho rằng, đợt suy giảm hiện tại của châu Âu sẽ ngắn, nông, và nền kinh tế khu vực sẽ trở lại trạng thái tăng trưởng dương nhẹ trong quý I/2024. Song, eurozone sẽ chỉ đạt được mức tăng GDP yếu ớt trong môi trường lãi suất cao dẫn đến khả năng xảy ra biến động trên thị trường năng lượng và bất ổn địa chính trị có thể kéo theo một cuộc suy thoái sâu hơn.
Dự báo từ các nhà kinh tế đa số cho rằng, kinh tế eurozone sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm tới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu năm 2024 lần lượt là 0,8% và 1,2%.
Eurozone dự kiến tiếp tục chứng kiến tăng trưởng ì ạch. |
Một số ý kiến nói rằng, khả năng ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ lần thứ hai và Ukraine thua trong cuộc chiến với Nga là hai trong số những rủi ro có thể kéo nền kinh tế eurozone rơi vào thời kỳ tăng trưởng thậm chí còn yếu hơn.
Mặt khác, rủi ro lớn nhất đối với eurozone là lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài và chính sách tài khoá ít nới lỏng hơn, nhất là ở Đức, theo ông Mahmood Pradhan, Nhà kinh tế trưởng về vĩ mô toàn cầu của công ty quản lý tài sản Amunda Asset Management.
2/3 số nhà kinh tế học được hỏi cho rằng, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm 2024, sau khi suy thoái phần lớn trong năm 2023. Dẫu vậy, ông Mark Wall, Nhà kinh tế trưởng về châu Âu của ngân hàng Deutsche Bank, cho rằng chính sách tài khoá thắt chặt đáng kể hơn ở Đức, sau khi chính phủ nước này không thể lấp đầy khoản thâm hụt ngân sách 60 tỉ euro, đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm 0,2% trong năm tới.
Hơn một nửa các nhà kinh tế học cho rằng, vẫn có khả năng châu Âu sẽ đối mặt với một cú sốc nguồn cung năng lượng trong năm tới, mặc dù khu vực bước vào một mùa đông với kho dự trữ khí đốt gần đầy và giá dầu giảm mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza.
“Châu Âu vẫn bị hạn chế về nguồn cung năng lượng, vì vậy bất kỳ mối lo ngại nào về nguồn cung năng lượng đều có thể khiến giá tăng mạnh”, bà Katherine Neiss, Nhà kinh tế trưởng về châu Âu của quỹ đầu tư trái phiếu PGIM Fixed Income, cho biết.
Theo các nhà kinh tế, lạm phát ở eurozone sẽ giảm về gần mức mục tiêu 2% của ECB trong vòng chưa đầy hai năm. Dự báo giá tiêu dùng sẽ tăng trung bình chỉ hơn 2,5% trong năm tới và dưới 2,1% một chút vào năm 2025.
Tuy nhiên, các mức dự báo này thấp hơn so với dự báo mà ECB đưa ra hồi tháng 12 khi dự đoán tăng trưởng giá tiêu dùng tại eurozone sẽ đạt trung bình 2,7% trong năm tới và 2,1% vào năm 2025.
Những rủi ro có thể kéo nền kinh tế eurozone rơi vào thời kỳ tăng trưởng thậm chí còn yếu hơn. |
Ngoài ra, tăng trưởng tiền lương dự kiến sẽ chỉ ở mức dưới 4% trong năm tới tại eurozone, yếu hơn so với dự báo 4,6% của ECB, nhưng vẫn đồng nghĩa thu nhập thực tế của hộ gia đình sẽ tăng lần đầu tiên trong 3 năm.
Hầu hết các nhà kinh tế đều tỏ ra có cái nhìn kém lạc quan về triển vọng thị trường lao động trong năm tới so với đánh giá của ECB. Họ dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức thấp kỷ lục của eurozone là 6,5% trong tháng 10 lên 6,9% vào cuối năm tới.
“Ngoài những rủi ro chính trị và địa chính trị, mối đe dọa nội sinh lớn nhất đối với nền kinh tế eurozone sẽ là sự sụt giảm trên thị trường lao động. Trong trường hợp như vậy, sự gia tăng thu nhập thực tế mà kịch bản hạ cánh mềm trông chờ có thể tan thành mây khói”, ông Sylvain Broyer, Nhà kinh tế trưởng S&P Global Ratings, nhận xét.
Giá nhà ở được dự báo giảm thêm 1,6% trong năm tới, phản ánh mức tăng trưởng chậm chạp và lãi suất thế chấp cao trên khắp châu Âu. Gần một nửa số người được hỏi cho biết, họ lo ngại về một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản thương mại, trong khi 1/4 cho biết, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Cách đây một năm, châu Âu vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine. Điều này lý giải vì sao sao hầu hết các nhà kinh tế đều có phần bi quan về cả tăng trưởng và lạm phát. Họ dự báo nền kinh tế eurozone sẽ giảm dưới 0,01% trong năm nay và lạm phát sẽ ở mức trung bình trên 6% một chút.
Song, nhờ sự chuyển đổi nhanh chóng từ việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt Nga sang các nguồn năng lượng khác, châu Âu đã có những chuyển biến tích cực hơn so với lo ngại của mọi người. ECB dự báo tăng trưởng GDP của eurozone sẽ là 0,6% và lạm phát sẽ là 5,4% trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm:
“Mây đen” ngăn người Mỹ vung tiền chi tiêu
Nguồn FT