Thứ Năm | 03/12/2015 15:20

Giờ đây điều gì sẽ xảy đến với nhân dân tệ?

Cam kết thả nổi NDT của Trung Quốc đang đối mặt với thử thách khi tăng trưởng kinh tế chậm lại gây áp lực buộc PBOC phải hạ giá đồng nội tệ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) muốn nhân dân tệ (NDT) ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại lại đang gây áp lực buộc phải hạ giá đồng nội tệ.

PBOC hôm thứ Ba 1/12 một lần nữa cam kết giữ ổn định NDT sau khi IMF đưa đồng tiền này vào giỏ dự trữ tiền tệ của Quỹ, hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Bình luận này nhằm xoa dịu lo ngại rằng Trung Quốc giờ đây sẽ cảm thấy “thoải mái” để phá giá nội tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Trong một cuộc họp báo, Phó Thống đốc PBOC Yi Gang cho biết, không cần phải lo lắng NDT có giảm giá hay không sau khi IMF quyết định đưa đồng tiền này vào giỏ SDR. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì hệ thống “thả nổi có quản lý” (managed-float) trước khi từng bước chuyển sang “thả nổi hoàn toàn” (clean float) NDT - mục tiêu dài hạn này đồng nghĩa rằng PBOC sẽ không cố gắng kiểm soát giá trị NDT.

Giờ đây, PBOC sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ngăn ngừa những biến động quá mức. “Điều quan trọng là phải giữ NDT ổn định ở mức độ hợp lý và cân bằng”, ông Yi Gang cho biết.

Tuy bình luận này của Phó Thống đốc PBOC có thể giúp tái đảm bảo với các đối tác thương mại của Trung Quốc - vốn đang lo ngại về việc Bắc Kinh có thể phá giá nhân dân tệ, song thị trường vẫn đồn đoán rằng Trung Quốc cảm thấy áp lực buộc phải hạ giá nội tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư và phân tích giờ đây nghĩ rằng NDT đang bị định giá quá cao liên quan đến sức mua, buộc các công ty Trung Quốc phải hạ giá và giảm lương để duy trì khả năng cạnh tranh - xu hướng có thể đẩy kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát.

Một báo cáo ra hôm thứ Ba 1/12 cho thấy, PMI sản xuất của Trung Quốc tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất 3 năm qua, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể giảm tốc hơn nữa bất chấp các biện pháp kích thích của chính phủ.

Puay Yeong Goh, nhà kinh tế học cao cấp tại hãng quản lý đầu tư Neuberger Berman tại New York, cho biết, NDT sẽ được hạ giá từ từ trong năm 2016. Đây là hành động điều chỉnh việc đồng tiền này bị đánh giá quá cao trong năm qua.

NDT vẫn là một đồng tiền tương đối mạnh xét trên nhiều khía cạnh. Kể từ hôm 11/8 khi PBOC bất ngờ phá giá khoảng 2%, NDT đã giảm 3% so với USD nhưng lại mạnh lên so với euro và chỉ yếu đi đôi chút so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ.

Sức mạnh của NDT chủ yếu nhờ sự can thiệp của PBOC. Việc phá giá hồi tháng 8 vừa qua đã gây ra làn sóng bán tháo cả trên thị trường nội địa Trung Quốc và quốc tế, buộc PBOC phải hành đồng để ngăn dòng vốn tháo chạy khỏi nước này. Bắc Kinh cũng lo ngại rằng việc để cho NDT giảm giá hơn nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ hội IMF quyết định đưa đồng tiền này vào giỏ SDR.

Giờ đây, bằng việc cam kết giữ NDT tương đối ổn định, PBOC dường như đang tìm cách tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn - từng diễn ra sau khi NDT bị phá giá hồi tháng 8 vừa qua, theo giới phân tích và giới đầu tư.

Suanjin Tan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại hãng quản lý quỹ BlackRock Inc, cho biết, mong muốn NDT được sử dụng rộng rãi hơn trên phạm vi toàn cầu là một lý lẽ khác về việc đảm bảo sự ổn định của đồng tiền này. Bắc Kinh sẽ duy trì một chính sách ổn định để chứng minh rằng NDT nên được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang đối mặc với nhiều áp lực từ bên ngoài trong việc không phá giá NDT quá nhanh. Đặc biệt, trong năm bầu cử tại Mỹ, NDT rẻ hơn sẽ làm dấy lên những chỉ trích mới rằng Trung Quốc đang can thiệp để duy trì NDT ở mức thấp nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Nhật Trường

Nguồn WSJ