Thứ Hai | 06/08/2012 13:39

Giàu tài nguyên, Nam Phi vẫn thiếu năng lượng trầm trọng

Nam Phi đang thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng dù nước này được các nhà địa lý cho biết là có trữ lượng khí đốt khá dồi dào.
Một báo cáo trình lên Bộ Năng lượng Mỹ năm ngoái ước tính trữ lượng đá phiến sét khí đốt có thể tái tạo của Nam Phi là 486 nghìn tỷ feet khối, trữ lượng lớn thứ 5 thế giới. Trong đó, Karoo là khu vực khai thác rất tiềm năng trong mắt các tập đoàn năng lượng lớn như Shell, Falcon, Challenger Energy...

Tuy nhiên, tương tự như Mỹ và nhiều quốc gia khác, việc áp dụng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy để khai thác khí đốt tại Karoo đang gây nhiều tranh luận do gặp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà hoạt động môi trường.

Một vài quan chức năng lượng và môi trường của Nam Phi cho biết họ không phản đối áp dụng thủy lực bẻ gãy, tuy nhiên vào tháng 4/2011, lệnh ngừng khai thác tại vùng Karoo đã được áp dụng do đề xuất từ các nhà hoạt động môi trường.

Việc ngừng khai thác cho chính phủ thêm thời gian để tính toán lại việc sản xuất tại Karoo. Bộ Tài nguyên Khoáng sản sắp tới sẽ báo cáo lên Nội các nhằm quyết định xem có được sử dụng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy vào khai thác hay không.

Việc khai thác trữ lượng khí đốt ở Nam Phi - nền kinh tế lớn nhất châu Phi là việc làm cần thiết vì sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng của nước này. Nam Phi hiện đang phải nhập khẩu tới 60% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ và gần như tất cả sản lượng điện của Nam Phi phụ thuộc vào tập đoàn năng lượng quốc gia Eskom Holdings. Việc thiếu hụt năng lượng đã dẫn đến việc Nam Phi phải cắt điện luân phiên vào năm 2008, làm hoạt động sản xuất và khai thác mỏ bị gián đoạn.

a
Tuy nhiên, lệnh ngừng khai thác tại Karoo rất khó được dỡ bỏ khi các nhà hoạt động môi trường đang đấu tranh kịch liệt. Họ cho biết sẽ đệ trình đơn kháng cáo lên Bộ Tài nguyên Khoáng sản nếu như cho phép áp dụng thủy lực bẻ gãy hoặc cấp giấy phép khai thác cho các tập đoàn.

Ngoài ra, tranh luận càng trở nên phức tạp hơn khi tháng 5 vừa qua, vùng Karoo được lên kế hoạch là nơi đặt kính thiên văn vô tuyến điện trị giá 1,87 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc dự án khai thác khí đốt sẽ phải đặt xa khỏi nơi kính thiên văn hoạt động.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện