Thứ Năm | 04/10/2012 19:22

Giao thông ùn tắc - tín hiệu tốt cho kinh tế Trung Quốc?

Nhiều nhà kinh tế cho rằng tắc đường ngày lễ là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc vẫn rất lạc quan vào nền kinh tế.
Kỳ nghỉ nhân dịp "Tuần lễ vàng" tại Trung Quốc năm nay thực sự là cơn ác mộng với nhiều người, khi các con đường cao tốc bị chật cứng bởi hàng triệu du khách. Tuy nhiên, với các nhà kinh tế, tắc đường lại là dấu hiệu tốt cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể thoát hạ cánh cứng, ít nhà là vào thời điểm hiện tại.

Theo lý giải của các nhà kinh tế, tắc đường cho thấy một câu chuyện mà các số liệu chính thức không bao giờ đề cập đến: Đó là người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tự tin vào nền kinh tế, vẫn chi tiêu và đổ ra đường vào những ngày lễ, bất chấp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm lại và giá cổ phiếu giảm hàng loạt.

Tắc đường ngày lễ là một tín hiệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tin tưởng vào nền kinh tế.
Tắc đường ngày lễ - tín hiệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tin tưởng vào nền kinh tế.

Chỉ tính riêng trong 4 ngày đầu trong Tuần lễ vàng kéo dài 8 ngày, số lượng khách du lịch tới 119 địa điểm thăm quan lớn của Trung Quốc lên đến 18,2 triệu người, tăng 23,4% so với  thời điểm này năm ngoái, Cục quản lý du lịch quốc gia cho biết.

Trong khi đó, doanh số bán hàng từ những địa điểm thăm quan này cũng lên tới 957 triệu nhân dân tệ (151 triệu USD), tăng 25%.

Các nhà quan sát thị trường cho rằng những con số này một lần nữa chứng tỏ người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục là điểm sáng đối với nền kinh tế đang chậm lại. Trong quý II năm nay, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm còn 7,6%, tốc độ chậm nhất trong 3 năm qua.

Giám đốc chiến lược kiêm trưởng nghiên cứu tại Reorient Financial Markets, ông Uwe Parpart, cho biết: "Khách du lịch Trung Quốc đang trọng trạng thái sẵn sàng chi tiêu... và điều đó đang khuấy động thị trường. Khi kinh tế trong tình trạng xấu, mọi người sẽ không đi du lịch và ngừng chi tiêu".

Trung Quốc
Doanh số bán hàng từ những địa điểm thăm quan này cũng lên tới 957 triệu nhân dân tệ (151 triệu USD).
Vậy sự lạc quan đó đến từ đâu? Theo các nhà phân tích thuộc Bank of America Merrill Lynch, kinh tế Trung Quốc vẫn có một số yếu tốt hoạt động tốt. Đầu tiên, tình trạng việc làm, có tác động trực tiếp tới ví tiền của người tiêu dùng, vẫn khá mạnh mẽ. Trong nửa đầu năm 2012, tiền lương của người lao động Trung Quốc đã tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế tiền lương tăng chủ yếu do lạm phát ở Trung Quốc đã xuống thấp hơn.

Bên cạnh việc làm, giá bất động sản ổn định sau hàng loạt các biện pháp thắt chặt của chính phủ Trung Quốc cũng tạo được tâm lý tốt với thị trường khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá bất động sản đang dần hồi phục.

"Nhìn chung người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tương đối tự tin về nền tảng kinh tế đất nước. Dữ liệu du lịch khả quan cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể hạ cánh mềm", các nhà phân tích của Bank of America Merrill Lynch nhận định.

Hiện chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tái cân bằng kinh tế bằng cách tăng tỷ lệ của tiêu thụ nội địa trong GDP, đồng thời giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Theo ông Parpart, dữ liệu du lịch trong tuần lễ vàng càng củng cố niềm tin Trung Quốc sẽ tái cân bằng được nền kinh tế.

"Đây là một tín hiệu tích cực. Tiền lương của người Trung Quốc trung bình tăng hơn 20%  trong 18 tháng qua. Càng nhiều người Trung Quốc chi tiền mua hàng hóa, chính phủ càng có cơ hội giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế đối với xuất khẩu", ông Parpart khẳng định.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện