Giáo dục đại học - điểm yếu trong thời bùng nổ kinh tế Indonesia
Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở Indonesia không được trang bị đủ tư duy phê phán cũng như kỹ năng vận dụng tri thức vào thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
"Các sinh viên tốt nghiệp đại học thường thiếu những kỹ năng cần thiết mà các nhà tuyển dụng cần", Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết trong một báo cáo về giáo dục gần đây.
Báo cáo này dựa trên điều tra các nhà tuyển dụng của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy sự chênh lệch trong "cách suy nghĩ, chuyên môn và hành vi" và từ 20 đến 25% các sinh viên tốt nghiệp cần đào tạo lại để đảm nhiệm được công việc.
Các trường đại học của Indonesia đang "tụt lại phía sau" và thiếu khả năng cạnh tranh toàn cầu so với các trường đại học của các quốc gia khác, ví dụ như ở Ấn Độ, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành bác sĩ, kỹ sư và khoa học của nước này có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trên toàn thế giới, báo cáo của OECD cho biết.
Không có bất kỳ trường nào trong số 92 trường đại học công lập và 3.000 trường cao đẳng tư nhân của Indonesia nằm trong bảng xếp hạng 400 trường đại học hàng đầu mới nhất của The Times Higher Education, một trong những tờ báo về các vấn đề liên quan đến giáo dục bậc đại học uy tín nhất thế giới.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế rằng Indonesia thường được xếp cùng hạng với các nền kinh tế mới nổi BRICS như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tất cả những nước này đều có tên trong danh sách của The Times Higher Education.
Headhunter Lina Marianti, nhân viên làm việc trong công ty tuyển dụng JAC ở Jakarta cho biết các nhà tuyển dụng nước ngoài từ chối hơn một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học của Indonesia.
"Chúng tôi cung cấp những sinh viên tốt nghiệp đại học giỏi, nhưng thậm chí những người giỏi nhất của chúng tôi cũng không thể đáp ứng mong đợi của những nhà tuyển dụng", bà Marianti cho biết.
"Những nhà tuyển dụng phàn nàn rằng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Indonesia không có khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Họ thiếu kỹ năng phân tích và lãnh đạo, đồng thời ngoại ngữ kém và thiếu kiến thức chuyên môn", bà Marianti nói thêm.
Rina, nhà quản lý nguồn nhân lực ở một công ty hóa chất trụ sở tại nước ngoài cho biết rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ở Indonesia thiếu nhiệt huyết trong công việc.
"Những sinh viên mới tốt nghiệp gửi email cho các nhà tuyển dụng mà không đính kèm thư xin việc, không hẹn phỏng vấn và từ chối thông qua tin nhắn", nhà quản lý Rina cho biết.
Không những thế, sinh viên tốt nghiệp đại học ở Indonesia còn thiếu tính sáng tạo và luôn cần người khác chỉ bảo phải làm gì trong công việc", bà Rina nói thêm.
Nhiều sinh viên có điều kiện hoặc xin được học bổng ở Indonesia lựa chọn phương án đi du học ở nước ngoài để giải quyết những khó khăn của hệ thống giáo dục đại học trong nước. Hơn 32.000 sinh viên du học ở các trường đại học và cao đẳng nước ngoài trong năm 2009, số liệu gần đây của UNESCO cho biết.
Các quan chức cấp cao và doanh nhân thành công ở Indonesia có ít nhất một bằng đại học ở nước ngoài, với những điểm đến hàng đầu gồm Australia, Mỹ, Đức và Hà Lan.
Chủ tịch Hiệp hội tư vấn giáo dục quốc tế Indonesia Sumarjono Suwito cho biết Indonesia đang đi đúng hướng, nhưng vẫn tụt hậu so với các nước khác ở châu Á.
"Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia và gần đây nhất là Thái Lan đã tập trung tiền của vào hệ thống giáo dục. Trong 5 năm qua, Indonesia đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn còn chậm", ông Suwito cho biết thêm.
Không những thế, ngành giáo dục Indonesia còn phải đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan. Các quỹ giáo dục bị thất thoát, các vụ sụp trường do kém chất lượng gây chết người và tình trạng các học sinh trung học chạy vào đại học là những khó khăn mà Indonesia đang phải đối mặt.
Bên cạnh đó, sinh viên các trường đại học ở Indonesia cũng cảm thấy thất vọng đối với hệ thống giáo dục trong nước. Đã có nhiều sinh viên khiếu nại về cơ sở vật chất và trình độ của các giảng viên ở các trường đại học dưới mức trung bình.
"Một số giảng viên hoãn các bài giảng và sau đó không giảng lại cho sinh viên", Lentari Pancar, 19 tuổi, sinh viên y tế ở Đại học Indonesia cho biết.
Wiyogo Prio Wicaksono, 21 tuổi, sinh viên năm 3 cũng học tại Đại học Indonesia cho biết thường tham gia các hoạt động ngoại khóa vào thời gian rảnh nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc sau này.
"Bạn bè của tôi thành công trong công việc là những người có kết quả bình thường tại các trường đại học. Nhiều kỹ năng khác quan trọng và hữu ích hơn so với những gì bạn được học tại các trường đại học", Wicaksono cho biết.
Nguồn AFP/Khampha