Thứ Năm | 25/07/2013 11:35

Giang Tô – Ác mộng nợ nần của Trung Quốc

Tình trạng nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang ở mức báo động, đáng chú ý là các địa phương ở tỉnh Giang Tô.
Mạnh tay vay tiền từ ngân hàng và các quỹ tín thác đầu tư cũng như thị trường trái phiếu khiến nợ của các địa phương ở Giang Tô cao hơn nhiều so với những địa phương khác.

Nhiều ngành kinh tế chủ chốt của Giang Tô như công nghiệp đóng tàu, sản xuất pin năng lượng mặt trời đối mặt với tình trạng dưa thừa công suất trong khi đó lợi nhuận có xu hướng giảm. Điều này khiến Giang Tô trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn khi chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm để thúc đẩy cải cách, giảm phụ thuộc vào đầu tư vốn giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng vay nợ cũng như hoạt động bán đất của các chính quyền địa phương. Trong khi đó, chính phủ lại muốn họ tự trang trải chi phí giảm quy mô các ngành công nghiệp. Điều này đặt các tỉnh như Giang Tô vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Có rất ít thông tin công khai về nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc và thực tế, thứ trưởng tài chính Trung Quốc hồi đầu tháng này cho biết chính phủ không biết tổng mức nợ chính xác của các địa phương. Standard Chartered, Fitch và Credit Suisse ước tính nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc hiện tương đương khoảng 15-36% GDP hay khoảng 3 nghìn tỷ USD theo dựa theo số liệu năm 2012 của World Bank. Các hãng xếp hạng tín dụng và chuyên gia kinh tế cho rằng, Giang Tô có thể gây ra rủi ro nợ chính quyền địa phương lớn nhất trong số 31 tỉnh của Trung Quốc.

"Nợ chính quyền địa phương nếu không được xử lý tốt có thể gây rủi ro hệ thống và rủi ro kinh tế vĩ mô cho Trung Quốc”, kinh tế trưởng của Deutsche Bank, ông Jun Ma, nhận định.

Các tỉnh miền đông của Trung Quốc trong đó có Giang Tô là các địa phương có nợ cao nhất. Đặc biệt, Giang Tô ngập trong nợ do phụ thuộc vào các loại hình vay vốn đắt đỏ hơn vốn vay ngân hàng. Rủi ro mà Giang Tô có thể gây ra với kinh tế Trung Quốc rất rõ bởi tỉnh này sẽ có GDP thậm chí cao hơn cả thành viên G20 là Thổ Nhĩ Kỳ. Với 79 triệu người, dân số của Giang Tô cũng vượt hầu hết các nước châu Âu.
Dấu hiệu căng thẳng nợ nần

Trong bối cảnh sức ép tài chín với chính quyền địa phương ngày một tăng, một số chủ doanh nghiệp ở Giang Tô trên bờ vực phá sản đang tìm kiếm các gói cứu trợ từ chính quyền để tiếp tục hoạt động.

Đầu tháng này, doanh nghiệp đóng tàu tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, Rongsheng, đã đề nghị chính quyền hỗ trợ tài chính sau khi doanh nghiệp này buộc phải sa thải 8.000 công nhân do khó khăn về tài chính. Chi nhánh của công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất của Trung Quốc, Wuxi Suntech, đầu năm nay cũng đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Trong bối cảnh như vậy, các chính quyền địa phương chỉ còn cách huy động ngân sách thông qua vay nợ và bán đất hay tăng thuế. Song thậm chí ở một số địa phương, chính quyền không đủ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân.

Các chính quyền từ chỗ vay ngân hàng chuyển sang các kênh tín dụng khác như quỹ tín thác để vay nợ khi chính phủ hạn chế tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Chính quyền địa phương ở Giang Tô chiếm tới 30% vốn vay từ các quỹ tín thác ở Trung Quốc năm 2012. Tuy nhiên, họ phải chấp nhận lãi suất cao hơn, khoảng 10%, so với lãi suất chỉ khoảng 6% của ngân hàng.

Chính quyền địa phương Giang Tô năm ngoái đã bán 343 tỷ nhân dân tệ trái phiếu thông qua các công ty tài chính, cao gấp 3 lần so với lượng phát hành của Quảng Đông – tỉnh giàu có nhất Trung Quốc. Cũng không có gì ngạc nhiên khi Giang Tô “góp” nhiều nợ xấu nhất cho các ngân hàng. Một quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, trong số nợ xấu tăng trong 5 tháng đầu năm 2013, Giang Tô chiếm tới 40%. Hồi tháng 4, Giang Tô phê chuẩn kế hoạch lập ngân hàng mua bán nợ xấu, ngân hàng địa phương kiểu này đầu tiên ở Trung Quốc.

Kinh tế Giang Tô tăng trưởng nhanh nhưng cũng nhanh chóng suy giảm khiến nhiều dây chuyền sản xuất tại các nhà máy rơi vào tình trạng bỏ không, nhiều doanh nghiệp thậm chí không còn tiền. Tăng trưởng GDP năm ngoái của Giang Tô khoảng 10%, thấp hơn trung bình 15% của 5 năm trước đó trong khi thu nhập tài khóa của chính quyền chỉ tăng 14%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 42% năm 2007.

Nguồn CNBC/Dân Việt


Sự kiện