Thứ Bảy | 30/03/2013 12:20

Giảm phát và câu chuyện lịch sử Mỹ

Nếu chỉ lo lắng về lạm phát mà chủ quan trước sự giảm giá chung của nền kinh tế thì câu chuyện sau đây sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ lại.
Kinh tế học vận động như mọi sự vật khác với nhiều kịch bản khác nhau. Cặp phạm trù dễ hình dung nhất và thường được nghĩ đến một cách đồng thời, bình đẳng đó là tăng trưởng và suy thoái, thặng dư và thâm hụt, cố định và thả nổi…Bây giờ, hãy thử nghĩ về lạm phát, khoảng trống trong nhận thức của bạn sẽ còn lại rất ít chỗ cho giảm phát. Không hẳn vì bạn không biết về nó mà chính vì bạn không nghĩ điều đó sẽ xảy ra hoặc đã từng xảy ra.

Trong những năm gần đây, các gói kích thích tài khóa và tiền tệ được thực hiện trên khắp thế giới khiến nhiều người đi đến kết luận trong tương lai các nền kinh tế sẽ đối mặt với lạm phát trầm trọng, thậm chí là siêu lạm phát.

Dự đoán giá cả sẽ tăng lên là điều hợp lý. Hầu hết mọi người đều mới chỉ trải qua lạm phát. Thời kỳ giảm phát gần đây nhất là những năm 1930 và đây cũng là thời kỳ nước Mỹ thực sự ở trong hòa bình. Phải chăng giảm phát là một hiện tượng của thời bình?

Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ thường xảy ra vào thời chiến, bao gồm cả thời chiến tranh lạnh và cuộc chiến chống lại nghèo đói. Đây là thời kỳ chính quyền liên bang chi tiêu quá đà, cộng với khu vực kinh tế tư nhân bùng nổ. Ở thời điểm hiện nay, các gói kích thích của chính phủ không thể bù đắp sự èo uột của khu vực tư nhân.

Trong suốt 95 năm chiến tranh (kể từ năm 1749), giá hàng hóa tăng trung bình 5,7%. Trong 168 năm hòa bình, mỗi năm giá sụt giảm 1,2%. Ở thời điểm hiện tại, khi Mỹ đã rút quân hỏi Iraq và Afghanistan đồng thời chi tiêu quốc phòng đã giảm xuống, có thể nói nước Mỹ đang ở trong thời bình.

Hơn nữa, nhận thức của chúng ta bị bao chùm hoàn toàn bởi lạm phát. Khi phải trả giá cao hơn, lập tức chúng ta nghĩ lạm phát đang xảy ra. Chúng ta tin rằng mức giá thấp hơn là kết quả của sự mặc cả, của mua sắm thông minh hơn,… và không hề nghi ngờ rằng giảm phát cũng đang xuất hiện.

Nếu chỉ lo lắng về lạm phát, mức giá cả tăng mà chủ quan trước sự giảm mức giá chung của nền kinh tế thì câu chuyện sau đây sẽ khiến cho tất cả mọi người phải suy nghĩ lại.

Mọi trẻ em ở Mỹ chắc chắn được xem bộ phim “Mụ phù thủy xứ Oz”, được xây dựng dựa trên cuốn truyện thiếu nhi viết vào năm 1990, kể lại câu chuyện của một bé gái tên là Dorothy bị lạc tới vùng đất lạ, xa quê hương. Tuy nhiên có thể bạn không biết rằng câu chuyện này thực tế lại nói một cách bóng gió về chính sách tiền tệ của Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 19.

Giai đoạn 1880-1896, giá cả tại Mỹ giảm 23%, trong đó thê thảm nhất là hàng nông sản. Vì sự kiện này không được dự đoán trước nên nó đã gây ra sự tái phân phối của cải trên quy mô lớn. Hầu hết nông dân ở miền Tây là con nợ, chủ nợ là các ngân hàng miền Đông. Giá giảm làm cho giá trị thực tế của khoản nợ tăng lên và các ngân hàng được lợi bằng cái giá của những người nông dân vay tiền.

Theo các nhà chính trị thuộc phái dân túy thời đó, giải pháp cho nông dân là tự do đúc tiền từ bạc. Trong suốt thời kỳ này, nước Mỹ thực hiện chế độ bản vị vàng, khối lượng vàng quyết định cung tiền tệ và do vậy quyết định giá cả. Những người ủng hộ tự do đúc bạc muốn bạc và vàng đều được sử dụng làm tiền. Nếu xảy ra, cung tiền tệ sẽ tăng lên và đẩy giá cả tăng theo, nhằm chống lại giảm phát. Từ đó làm giảm giá trị thực tế của các khoản nợ mà nông dân phải trả.

Khẩu hiệu thường thấy của các nhà dân túy là “Chúng ta bị cầm cố. Tất cả, trừ lá phiếu của chúng ta”. Người biện hộ hàng đầu cho chế dộ bản vị bạc là Willian Jennings Bryan, người được nhớ đến nhờ câu nói: “Chúng ta sẽ không ấn chiếc vương miệng đầy gai nhọn lên đầu giới cần lao. Chúng ta không hành hạ loài người bằng cách đóng đinh họ trên cây thập tự bằng vàng”.

Từ đó đến nay, hiếm khi chúng ta thấy các chính khách nói năng đầy chất thơ như vậy về các phương pháp tiếp cận khác nhau đối với chính sách tiền tệ. Dẫu sao, đó cũng thời kỳ giảm phát ngự trị và bài học lịch sử ghi lại vẫn còn nguyên giá trị đối với nước Mỹ, mặc cho hơn 130 năm đã trôi qua.

Nguồn Khampha


Sự kiện