Giảm phát có thực sự là cơn ác mộng?
Trước khi tìm hiểu cơ sở nào khiến chúng ta phải đặt dấu hỏi cho nền kinh tế, rằng liệu nó có lâm vào một kỷ nguyên mới của tình trạng giảm phát hay không, cần tìm hiểu xem giảm phát là gì và nó có thật sự đáng sợ như những cơn ác mộng bạn từng có về lạm phát hay không?
Quay ngược chiếc đồng hồ cát mang tên lạm phát, bạn sẽ hình dung được thế nào là giảm phát. Giảm phát được hiểu là sự giảm liên tục mức giá chung của nền kinh tế trong khoảng thời gian nhất định, khi đó sức mua trong nước của đồng nội tệ liên tục tăng. Tương tự như lạm phát, giảm phát cũng được tính thông qua mức tăng/giảm tương đối của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính bằng %. Khi lạm phát giảm xuống dưới 0% và có sự giảm mức giá chung thì có nghĩa nền kinh tế đang trong tình trạng giảm phát.
Tránh nhầm lẫn giữa giảm phát với giảm lạm phát. Giảm lạm phát là việc giảm mức độ lạm phát theo thời gian, còn giảm phát là mức lạm phát giảm xuống dưới 0%. Việc giảm giá có nghĩa là đồng nội tệ sẽ có giá trị hơn và việc nắm giữ tiền mặt trở nên phổ biến. Nhưng việc tăng giá trị của tiền có thể gây ra những vấn đề với môi trường kinh tế, và đôi khi vấn đề này còn trầm trọng hơn cả lạm phát.
Có một sự khác biệt quan trọng giữa giảm phát tốt do cung dư thừa và giảm phát xấu được tạo ra bởi cầu thiếu hụt.
Giảm phát tốt là kết quả của công nghệ mới giúp tăng năng suất và sản lượng khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Kết quả là cung đã tăng nhanh chóng so với cầu. Còn giảm phát xấu bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính và suy thoái trầm trọng, làm tăng thất nghiệp và làm giảm khả năng mua sắm thấp hơn mức độ cung cấp.
Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào cuối những năm 1700, nhưng cách mạng ở Mỹ đã không đạt được quy mô đủ để điều khiển nền kinh tế cho đến khi cuộc nội chiến kết thúc. Giá trị gia tăng trong sản xuất và khai thác mỏ nhảy vọt. Khi máy sản xuất chai thay thế ống thổi thủy tinh, giá của 10 chiếc ly từ 3,50 USD vào năm 1864 giảm xuống chỉ còn 40 cents vào năm 1888.
Đồng thời, sự ra đời các tuyến đường sắt kết nối các quốc gia giúp nâng cao năng suất và sản lượng cung cấp. Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) thực tế tăng 4,5%/năm từ 1870 đến 1898, tỷ lệ tăng chưa từng có trong một thời kỳ dài như vậy. Tiêu dùng bình quân đầu người cũng tăng 2,3% mỗi năm. Đây là thời kỳ của giảm phát tốt, giá bán giảm 34% (1,7%/năm), và giá tiêu dùng giảm 47% (2,5%/năm).
Giảm phát tốt chiếm ưu thế trong những năm 1920, các công nghệ mới ra đời, điện đến các nhà máy và các hộ gia đình, xe hơi sản xuất hàng loạt. Điện khí hóa đóng góp đáng kể cho việc sản xuất hàng hóa khác, chẳng hạn như các thiết bị gia dụng và đài phát thanh. Sản xuất công nghiệp tăng gần gấp đôi trong những năm 1920, nhưng giá giảm do cung vượt quá cầu.
Ngược lại, giảm phát xấu phổ biến trong những năm 1930 trong cuộc Đại suy thoái đã đẩy cầu xuống thấp hơn cung đáng kể. Lượng tiền cung ứng, giá cả và tất cả các hàng hóa và dịch vụ thực sự giảm. Khi giá sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 25%. Suy thoái diễn ra trên toàn cầu và ảnh hưởng đến hầu hết các nước phát triển. Sản xuất công nghiệp lần lượt giảm 45% ở Mỹ, 34% ở Áo , 41% ở Đức , 12% ở Anh và 23% ở Italia .
Dự báo giảm phát tốt đến do cung dư thừa sau khi kết hợp nhiều công nghệ nâng cao năng suất đáng kể như chất bán dẫn, máy tính, Internet, viễn thông, robot và công nghệ sinh học tạo điều kiện tăng nhanh sản lượng.
Đồng thời, giảm phát xấu do cầu thiếu hụt cũng có thể xảy ra như kết quả của chính sách bảo hộ quá mức và cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng. Cả hai đều là những mối đe dọa rõ ràng.
Thực tế là phần lớn chúng ta chỉ có một mối lo ngại duy nhất là lạm phát, còn giảm phát thường bị bỏ qua và thậm chí còn được cho là một điều tốt.
Tại sao giảm phát lại xấu?
Khi giảm phát diễn ra, giá cả giảm và đồng tiền có giá hơn, nhà đầu tư sẽ muốn giữ nhiều tiền mặt và tiêu xài ít hơn. Điều này tạo một cú sốc cho nền kinh tế vì thiếu vốn luân chuyển và các ngành kinh doanh phải đấu tranh vì chuyện này. Điều đó cũng không khuyến khích việc vay mượn với tương lai phải tốn nhiều tiền để trả lại số tiền đã vay mượn, do đồng tiền mạnh lên. Giống như ta đặt 1 cái kẹp vào hệ thống ngân hàng và sẽ gây tác dụng lan tỏa đến cả nền kinh tế. Giảm phát còn thúc đẩy giảm lương người lao động khi mà doanh nghiệp cần phải điều tiết trở lại cho những thua lỗ do việc giảm giá gây ra.
Tất cả những vấn đề trên kết hợp gây ra hiệu ứng xoáy xuống, khiến cho giảm phát mạnh lên. Hiện tượng này được gọi là giảm phát dai dẳng. Khi mà giá cả giảm, tình trạng thiếu việc làm và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa thì điều này sẽ làm hại nền kinh tế, như kiểu truyền lực cho thói quen tiết kiệm và cứ thế xoáy xuống. Việc giảm giá, nếu tồn tại, sẽ tạo ra một vòng xoáy xấu dẫn đến giảm lợi nhuận, đóng cửa các nhà máy, thất nghiệp gia tăng, giảm thu nhập và làm tăng việc vỡ nợ từ các khoản vay của công ty và cá nhân.
Ví dụ tiêu biểu nhất về giảm phát là Nhật Bản khi nền kinh tế này trượt vào giảm phát từ những năm 90 của thế kỷ 20. Năm 1990, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 ở 40.000 điểm. Kể từ đó, chỉ số này liên tục lao dốc cho đến năm 2012 chỉ quanh mức 9.100 điểm, tương đương giảm 77%, một tác động hủy diệt lên nhà đầu tư và người dân Nhật Bản. Đối với một nền kinh tế từng được dự đoán là vượt qua nền kinh tế Mỹ để dẫn đầu thế giới, giảm phát đồng nghĩa là hồi kết cho giấc mơ của đất nước mặt trời mọc.
Nguồn Khampha