Ảnh: CNBC/Getty.

 
Bá Ước Thứ Sáu | 14/06/2019 21:21

Giải quyết thương chiến: Trump vội, Trung Quốc thong dong?

Để đạt được thỏa thuận, Trung Quốc nhấn mạnh rằng Mỹ phải đồng ý một số điều kiện nhất định, CNBC trích lời một chuyên gia Trung Quốc cho hay.

Khi các cuộc đàm phán vẫn đang bế tắc, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp G-20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này hay không. Ngày 10/6, ông Trump đã đe dọa áp thêm thuế với lượng hàng hóa còn lại của Trung Quốc nếu ông Tập không tham dự.

Hôm 13/6, các đại diện từ phía Trung Quốc cho biết họ nghĩ rằng ông Tập có thể sẽ tham dự cuộc họp G-20. Nhưng để đạt được thỏa thuận thương mại, họ nhấn mạnh, Mỹ phải đồng ý với một số điều kiện nhất định. Chúng bao gồm việc hủy bỏ tất cả các mức thuế bổ sung; tuân theo những gì đã được thống nhất tại cuộc họp G-20 ở Argentina năm ngoái; và tuân theo các điều khoản mà Trung Quốc coi là bình đẳng.

“Quan điểm của Trung Quốc là rất rõ ràng. Chính Mỹ là người khởi xướng chiến tranh thương mại”, ông Liang Ming, giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết.

“Bây giờ, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có sự tin lớn hơn Mỹ. Tại G-20, chúng ta có thể có các cuộc đàm phán, nhưng điều kiện tiên quyết là Mỹ phải thể hiện lòng chân thành”, ông Liang nói. “Nếu Mỹ tiếp tục muốn áp đặt các điều kiện của họ, thì chúng tôi sẽ không tham gia cuộc đàm phán”.

Trung Quốc không vội vàng

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đã chuyển biến tồi tệ hơn vào tháng trước. Ông Trump đã tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, và chính quyền của ông đã đưa Huawei vào danh sách đen, và ngăn công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc mua hàng từ các nhà cung cấp ở Mỹ.

Ông Liang cho biết quan điểm của các học giả Trung Quốc là nền kinh tế Trung Quốc có thể chịu được áp lực khi căng thẳng thương mại vẫn kéo dài, và họ nhận định là điều này không tốt cho kế hoạch tái cử chức Tổng thống Mỹ của ông Trump vào năm 2020.

“Chúng tôi biết rằng bắt đầu từ ngày 18/6, Tổng thống Trump sẽ bắt đầu chiến dịch tái cử, và vì vậy chúng tôi nghĩ rằng ông ấy cũng rất muốn đạt được thỏa thuận”, ông Liang nói. “Nhưng nếu nhìn vào toàn bộ tình hình, Trung Quốc không vội vàng vì thời gian đứng về phía chúng tôi”.

Mỹ phải thể hiện "sự chân thành"

Kể từ đó, quan điểm chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc là : Để các cuộc đàm phán được tiếp tục, Mỹ phải điều chỉnh hành động sai trái của mình với sự chân thành.

Ông Liang đã nêu lên 3 điều kiện, thể hiện sự chân thành đó:

Đầu tiên, dẫn quan điểm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, ông Liang nói rằng Mỹ phải đồng ý hủy bỏ tất cả các mức thuế bổ sung.

Thứ hai, ông Liang cho biết Bắc Kinh muốn Mỹ “giảm bớt đáng kể các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ cao”, để phía Trung Quốc có thể đáp ứng yêu cầu của chính quyền Trump là tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ lên ít nhất 1,2 nghìn tỷ USD.

“Điểm thứ ba là về một văn bản cân bằng, về diễn đạt và từ ngữ”, ông Liang nói. “Chúng tôi không nghĩ rằng văn bày này nên có quá nhiều từ ngữ mạnh mẽ, có tính áp đặt như ‘phải’, ‘nên’, v.v”

Các ràng buộc để đảm bảo rằng Bắc Kinh và chính quyền Trump sẽ tuân thủ các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào là khởi nguồn của mọi bất đồng giữa 2 bên.

Đầu tháng 6, Trung Quốc đã xuất bản sách trắng về đàm phán Mỹ-Trung, trong đó đổ lỗi cho Mỹ về căng thẳng thương mại hiện tại.

Hôm 13/6, Zhu Guangyao, cựu Thứ trưởng bộ Tài chính và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về thương mại, đã khẳng định rằng Trung Quốc đang chờ Mỹ đồng ý với các điều khoản của Bắc Kinh. Ông cho biết ông hy vọng ông Tập sẽ tham dự cuộc họp G-20.

“Khi các cuộc đàm phán ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, cả hai bên bắt đầu đặt những lằn ranh đỏ của họ lên bàn đàm phán, về những gì hai bên có thể thương lượng, những gì không”, ông Zhu nói với CNBC. “Vì vậy, lợi ích của người dân, chủ quyền và phẩm giá quốc gia, chắc chắn là lằn ranh đỏ. Không ai có thể vượt qua điều đó”.

► Trung Quốc hay Mỹ mới là bên lật kèo trong đàm phán thương mại?

► Vì sao Trung Quốc không nên trả đũa công ty Mỹ sau lệnh cấm Huawei?

Lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh

Trong một bài xã luận xuất bản vào cuối tháng 5, Tân Hoa Xã nói rằng các yêu cầu của Mỹ, bao gồm cả việc hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, là một nỗ lực nhằm làm tổn hại lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh.

Và khi căng thẳng thương mại leo thang, Trung Quốc dường như đang muốn thực hiện một cuộc “vạn lý trường chinh" mới, trong khi vẫn để ngỏ khả năng kết thúc thương chiến với Mỹ, vốn từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia châu Á.

Trong một bình luận công khai hiếm hoi về tranh chấp thương mại, vào tuần trước, ông Tập Cận Bình đã chia sẻ tại một diễn đàn kinh tế ở Nga rằng, ông muốn duy trì mối liên hệ với Mỹ.

“Thật khó có thể tưởng tượng một sự mất kết nối hoàn toàn của Mỹ từ Trung Quốc hoặc Trung Quốc với Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Tập cho hay.

“Chúng tôi không muốn điều này và các đối tác Mỹ của chúng tôi không muốn điều này”, ông Tập nói. “Tổng thống của Trump là bạn của tôi và tôi tin rằng ông ấy cũng không muốn điều này”.

Nguồn CNBC