Giải pháp nào cho tình trạng thanh niên thất nghiệp toàn cầu?
Năm 1984, cố thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher từng nói về tình trạng thất nghiệp của thanh niên như sau: "Những người trẻ tuổi không nên được nhàn rỗi. Điều đó rất xấu cho họ ". Bà đã đúng, những người phải bắt đầu sự nghiệp bằng trợ cấp thất nghiệp nhiều khả năng có mức lương thấp hơn và tiếp tục lâm vào cảnh thất nghiệp bởi vì họ đã mất đi cơ hội có được các kỹ năng và sự tự tin trong những năm đầu tiên của sự nghiệp.
Tuy nhiên, có nhiều người trẻ đang “nhàn rỗi” hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), 26 triệu người trong độ tuổi từ 15 - 24 ở các nước đang phát triển không có việc làm, không được giáo dục hay đào tạo, trong đó số lượng những người trẻ tuổi không có việc làm đã tăng 30% kể từ năm 2007. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) báo cáo số lượng người trẻ tuổi đang tìm kiếm việc làm trên toàn thế giới lên tới 75 triệu người. Cũng theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy 262 triệu thanh niên tại các nền kinh tế mới nổi đang thất nghiệp. Tùy thuộc từng cách đánh giá nhưng nhìn chung số lượng người trẻ tuổi không có việc làm đã lớn gần bằng dân số của Mỹ (311 triệu người).
Hai nguyên nhân chính giải thích cho con số khổng lồ này. Đầu tiên, suy thoái kinh tế kéo dài ở phương Tây đã làm giảm đáng kể cầu về lao động và dễ dàng hơn để sa thải nhân viên cũ khi thị trường luôn nằm trong tình trạng dư cung. Thứ hai, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh so với cầu lao động trong các nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như Ấn Độ và Ai Cập.
Kết quả cho phép chúng ta có thể vẽ nên một "vòng cung của tình trạng thanh niên thất nghiệp", từ Nam Âu đến Bắc Phi và từ Trung Đông đến Nam Á, những nơi mà suy thoái kinh tế trong thế giới các nước giàu gặp sự run rẩy trong thế giới các nước nghèo. Chúng ta từng chứng kiến sự giận dữ của những người trẻ thất nghiệp đã bùng nổ trên các đường phố ở Trung Đông, cũng như tình trạng tội phạm bạo lực đang tăng ở Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha-quốc gia có thanh niên thất nghiệp cao đáng chú ý.
Tăng trưởng có phải phương thuốc bách bệnh cho tình trạng thất nghiệp?
Cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nói luôn dễ hơn làm, nhất là trong một thế giới đang gặp khủng hoảng. Dù sao tăng trưởng cũng chỉ là một phần của câu trả lời. Ở các nước nơi mà vấn đề tồi tệ nhất (như Tây Ban Nha và Ai Cập), tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng.
Bởi vì đại diện cho cầu về lao động, các doanh nghiệp trong nền kinh tế suy thoái vẫn tiếp tục phàn nàn rằng họ không thể tìm thấy những người trẻ tuổi có kỹ năng phù hợp. Một khoảng trông lớn giữa cung và cầu lao động do đâu sẽ được phân tích ở phần sau nhưng ít nhất điều này đã làm nổi bật tầm quan trọng của 2 giải pháp sau đây: cải cách thị trường lao động và cải thiện giáo dục. Thị trường lao động cần được cung cấp một sức sống mới và cả một biến đổi mới.
Thị trường lao động cứng nhắc làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp
Hiện tượng thanh niên thất nghiệp thường nghiêm trọng nhất tại các quốc gia có thị trường lao động cứng nhắc. Thuế tuyển dụng và mức lương tối thiểu cao, quy định chặt chẽ về sa thải, những cứng nhắc đó của thị trường lao động khiến cho mọi nỗ lực giúp đỡ thế hệ trẻ đi vào ngõ cụt.
Nam Phi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số các quốc gia vùng sa mạc Sahara, một phần vì tổ chức công đoàn hoạt động mạnh mẽ, do vậy luôn đi kèm các quy tắc cứng nhắc về tuyển dụng và sa thải lao động. Nhiều quốc gia trong “vòng cung của tình trạng thanh niên thất nghiệp” có mức lương tối thiểu và thuế liên quan đến lao động rất cao. Đặc biệt tại Ấn Độ, có khoảng 200 điều luật quy định về lao động và tiền lương.
Bãi bỏ kiểm soát thị trường lao động một cách cứng nhắc là biện pháp trung tâm để giải quyết tình trạng thanh niên thất nghiệp. Tuy nhiên chỉ riêng vậy thôi là không đủ. Ngay trên nước Anh, dù có một thị trường lao động linh hoạt nhưng số lượng thanh niên thất nghiệp vẫn cao.
Ngược lại, tại các nước sở hữu thị trường lao động linh hoạt, chính phủ có xu hướng tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Đức là nước có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thấp thứ 2 trong thế giới của các nước giàu, chính phủ Đức hỗ trợ cho thanh niên thất nghiệp trong 2 năm đầu tiên bằng biện pháp trợ cấp một phần như những người thất nghiệp dài hạn.
Một cách làm khác, các nước Bắc Âu cung cấp cho những người trẻ tuổi "kế hoạch cá nhân" trong việc làm và đào tạo. Nhưng các chính sách này quá tốn kém nếu áp dụng tại Nam Âu, với hàng triệu người thất nghiệp, chỉ riêng trong các nền kinh tế đang phát triển. Một cách tiếp cận rẻ hơn là cải cách nhằm hạn chế thất nghiệp, chính phủ có thể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ xin được giấy phép kinh doanh, tạo điều kiện cho các công ty xây dựng dễ dàng hơn trong phê duyệt dự án, hoặc cho phép các cửa hàng có thể mở cửa thêm giờ vào buổi tối.
Thanh niên tốt nghiệp đại học vẫn không tránh khỏi thất nghiệp
Nếu bạn nghĩ cầm chiếc bằng tốt nghiệp cử nhân trong tay là đủ để có một việc làm thì bạn nên suy nghĩ lại. Nếu cho rằng chính phủ chỉ đơn giản nên tiếp tục chính sách làm tăng số lượng người tốt nghiệp đại học, cũng là kết luận vội vàng. Cần nhấn mạnh rằng tốt nghiệp đại học và có việc làm là 2 chuyện khác nhau. Tại Anh và Mỹ nhiều người tốt nghiêp các trường nghệ thuật không tìm được việc làm phù hợp. Còn tại Bắc Phi, sinh viên tốt nghiệp đại học có khả năng thất nghiệp gấp đôi sinh viên không tốt nghiệp.
Điều quan trọng không phải số năm đi học, mà là nội dung học. Do đó cần thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục và việc làm, bằng cách nâng cao giáo dục, đào tạo nghề và kỹ thuật, hay gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường học. Đức, Anh, Singapo, Hàn Quốc đang phát triển theo mô hình này.
Thu hẹp khoảng cách cũng đòi hỏi sự thay đổi trong thái độ kinh doanh. Một số công ty như IBM, Rolls-Royce, McDonald đã cải cách các chương trình đào tạo và được khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào nguồn lao động trẻ. Có nhiều con đường khác nhau để thực hiện mà chủ yếu lựa chọn cách hợp tác với các trường đại học để tạo ra các khóa học đào tạo. Nghĩa là giáo dục đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Sự phát triển của khoa học-công nghệ giúp giảm chi phí đào tạo. Xuất hiện nhiều hơn các chương trình được thiết kế như trò chơi trên máy vi tính, với mục đích cung cấp cho giới trẻ một số kinh nghiệm ảo. Các khóa học trực tuyến có thể giúp học viên kết hợp đào tạo với công việc thông qua hướng dẫn học tập từ xa.
Vấn đề thất nghiệp của thanh niên đã trở nên trầm trọng hơn trong vài năm gần đây nhưng trong khó khăn vẫn nhìn thấy hy vọng. Nỗ lực đầu tiên từ chính phủ nhằm giải quyết sự không phù hợp giữa giáo dục và thị trường lao động. Mặt khác, các công ty bắt đầu chịu trách nhiệm nhiều hơn về đầu tư cho giới trẻ. Công nghệ cũng ngày càng giúp sức cho sự liên kết giữa cái nền giáo dục có với cái thị trường lao động cần. Do vậy, thế giới cần nắm lấy cơ hội thực sự để thổi bùng lên cuộc cách mạng của giáo dục và đào tạo sao cho xứng đáng với quy mô của số thanh niên thất nghiệp hiện nay đã gần bằng tổng dân số nước Mỹ, một so sánh số liệu đơn giản nhưng đáng để suy ngẫm.
Nguồn Dân Việt