
Giải pháp cứu eurozone của ECB đã quá muộn?

Kết thúc phiên họp chính sách hôm qua 6/9, ECB tuyên bố giữ nguyên lãi suất siêu thấp để hỗ trợ các chính phủ khu vực. Ngoài ra, ECB cũng công bố kế hoạch mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1-3 năm miễn là các chính phủ phát hành trái phiếu nhất trí chương trình điều chỉnh tài khóa. ECB cũng sẽ tạm thời ngừng áp giới hạn lợi suất đối với từng nước.
Những tuyên bố chính sách trên ngay lập tức đã có tác dụng tích cực đối với thị trường. Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm giảm từ 6,4% xuống 6%, của Italia giảm từ 5,5% xuống 5,3%. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đồng loạt tăng.
Tuy nhiên, trong những tuần tới, những hạn chế của giải pháp mà ECB có thể sẽ được bộc lộ.
Ông Draghi có thể đã thành công trong việc xoa dịu lo ngại khủng hoảng toàn diện ở Tây Ban Nha và Italia nhưng không thể khôi phục lại các điều kiện tài chính giúp khu vực tăng trưởng mạnh trở lại.
Theo số liệu mà Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat vừa công bố, GDP của eurozone quý II giảm 0,2% so với quý trước và 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế khu vực này đang lún sâu hơn vào suy thoái. ECB dự báo, eurozone sẽ tăng trưởng khoảng -0,6% đến -0,2% trong năm 2012 và khoảng -0,4% đến 1,4% trong năm 2013.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha và Italia đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn khiến các công ty và hộ gia đình phải chấp nhận đi vay với lãi suất cao hơn (Đồ thị). Điều này một phần do hệ thống ngân hàng của các nước này đang bị rút vốn mạnh. Tại Tây Ban Nha, nguồn vốn rút khỏi hệ thống ngân hàng trong quý II tương đương hơn 50% GDP của nước này.

Nếu chỉ là để tránh làm Đức phật lòng, ECB sẽ không áp cùng một lãi suất cho vay giữa các nước khủng hoảng ở miền nam với các nước ở miền bắc. Kết cục là hành động của ECB với vai trò là người cho vay cuối cùng sẽ không đủ nhiệm màu để khôi phục lại hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Thực tế là tại Anh và Mỹ, khi ngân hàng trung ương đóng vai trò là người cho vay cuối cùng và thực hiện các chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thì cũng chỉ giúp ứng phó phần nào trong việc cắt giảm nợ, hạn chế chi tiêu và đối phó với ảnh hưởng từ bên ngoài.
Đáng ra, ECB cần hành động sớm hơn để giải cứu eurozone.
Nguồn Economist, CNBC/Khampha