Chủ Nhật | 04/08/2013 14:49

Giải oan cho chiếc iPhone

Mỹ đã giận oan chiếc iPhone khi xem đó là nguyên nhân làm tăng thâm hụt thương mại của Mỹ và để hàng chục nghìn việc làm rơi vào tay Trung Quốc.

Chính trị gia nổi tiếng của Mỹ John McCain, đã tự biến mình thành trò cười khi trong bài phát biểu mới đây với kênh truyền hình CNBC, ông nói iPhone và iPad là minh chứng quan trọng cho những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ.

Bởi vì, iPhone là sản phẩm của chuỗi cung ứng toàn cầu, không riêng của Mỹ hay Trung Quốc (theo nghiên cứu của ADB, có 9 nước sản xuất linh kiện để lắp ráp cuối cùng tại Trung Quốc trước khi được chuyển sang Mỹ).

Nhiều người quan tâm đến ngành sản xuất Mỹ lâu nay luôn lên án hoạt động sản xuất iPhone ở nước ngoài khiến thâm hụt thương mại Mỹ-Trung tăng thêm gần 2 tỷ USD mỗi năm và người Trung Quốc đã lấy đi từ 20 đến 40 nghìn việc làm của người Mỹ.

Nhưng họ cũng đã đôi chút nhầm lẫn.

Đúng là hoạt động sản xuất iPhone ở nước ngoài đã khiến Mỹ chịu khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc (năm 2009) lên tới hơn 1,9 tỷ USD và không chịu thâm hụt nào khác với các nước còn lại.

Nhưng cần hiểu rằng đó chỉ là con số cộng gộp. Phương pháp giá trị gia tăng trong thương mại (TIVA) mới phản ánh đúng sự thật.

Phương pháp mới - TIVA đã giải oan cho chiếc iPhone.
Phương pháp mới - TIVA đã giải oan cho chiếc iPhone.

Thực chất, Mỹ chịu thâm hụt nhiều nhất trong trao đổi thương mại với Nhật Bản (684,8 triệu USD), tiếp đến với Đức (340,7 triệu USD), Hàn Quốc (259,4 triệu USD), rồi mới đến Trung Quốc (73,5 triệu USD).

Điều đó đã tiết lộ một sự thật là quá trình sản xuất iPhone khiến cho Mỹ chịu thâm hụt với một số quốc gia tại châu Âu và nhiều nước châu Á khác, chứ chẳng phải riêng Trung Quốc.

Cho nên, nếu thực sự muốn đổ lỗi do bị “đánh cắp” cơ hội việc làm khi tiến hành sản xuất iPhone ở nhiều quốc gia khác, thì người Mỹ nên trách Nhật Bản trước tiên chứ không phải Trung Quốc – quốc gia mà Mỹ chỉ phải nhập khẩu tổng giá trị thực bằng khoảng 1/10 so với Nhật Bản.

Nhưng cũng khó trách người Mỹ được, bởi bản chất đó đã bị che đậy bởi phương pháp cũ, không theo kịp với tốc độ phát triển ngày càng phức tạp của quá trình sản xuất cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với iPhone, Trung Quốc cũng bị đổ oan là kẻ “đánh cắp” việc làm của lao động Mỹ, do nước này chính là nơi thực hiện công đoạn lắp ráp linh kiện iPhone, thành sản phẩm cuối cùng để chuyển về Mỹ.

Do vậy, phương pháp truyền thống (cộng gộp) chỉ ghi nhận khoản thâm hụt khổng lồ của Mỹ đối với Trung Quốc và bỏ qua các giá trị gia tăng tạo ra từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Vẫn còn may là sự ra đời của TIVA, đã giải oan cho hoạt động sản xuất iPhone và những nhà lắp ráp đến từ Trung Quốc, những người chẳng thu được bao nhiêu mà còn phải chịu tiếng xấu.

Nguồn Tâm Vũ/Dân Việt


Sự kiện