Chủ Nhật | 23/09/2012 17:02

Giải mã những bí ẩn của tiền tệ

Về cơ bản tiền tệ là một tài sản, giống như trái phiếu hoặc cổ phiếu, nhưng là tài sản có những đặc điểm đặc biệt.
Bất chấp tầm quan trọng của tiền tệ với nền kinh tế, nhưng nhiều người luôn cảm thấy cách thức tiền tệ vận hành và mối liên kết giữa tiền tệ và lạm phát là điều rất bí ẩn. Chúng ta luôn công nhận một điều hiển nhiên rằng những tờ giấy bạc đô la Mỹ trong có thể đổi được hàng hóa và dịch vụ, nhưng điều gì xác định giá trị của tiền? Tại sao bánh hamburger Big Mac lại có giá 3,45 USD mà không phải là 345 USD?

Hầu hết mọi người nghĩ đến lạm phát khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, nhưng lạm phát thực sự là sự mất giá của đồng tiền. Do vậy, nếu chúng ta muốn nghĩ đến lạm phát hay giảm phát, chúng ta phải nghĩ đến những gì mang lại giá trị cho đồng tiền.

Liệu có phải đôla Mỹ thực sự là những mảnh giấy vô giá trị nhưng lại được quý trọng chỉ đơn giản vì mọi người tin rằng chúng đáng giá ? Hay đồng tiền có phải là khoản nợ của chính phủ, được hậu thuẫn bằng một bảo đảm tuyệt đối rằng chính phủ sẽ, nếu cần thiết, chấp nhận đồng tiền này và đổi lại bằng một cái gì đó có giá trị thực sự ?

Về cơ bản tiền tệ là một tài sản, giống như trái phiếu hoặc cổ phiếu, nhưng là tài sản có những đặc điểm đặc biệt. Tiền vừa là đơn vị kế toán vừa là trung gian trao đổi. Có nhiều loại tiền tệ khác nhau. Tiền được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát hành, tiền tệ tồn tại ở dạng vật chất (tiền giấy và tiền xu), tiền ở dạng điện tử, hoặc dự trữ, đó là những tài khoản mà các ngân hàng mở tại Fed.

Giá trị của tiền tệ

Tiền là nợ ngắn hạn của chính phủ mà mọi người sẵn lòng nắm giữ thậm chí cả khi không được trả lãi. Chính phủ vay tiền để chi tiêu cho hiện tại và hứa sẽ thu thuế để hoàn trả lại cho bạn sau này. Do vậy, nợ chính phủ là một loại tài sản có giá vì đó là yêu cầu các khoản thuế tương lai.

Nếu chính phủ không hoặc không thể thu thuế tương lai liên quan đến các khoản chi tiêu để trả nợ - ví dụ như chính phủ Hy Lạp – khi đó nợ chính phủ bị giảm giá trị, giống như cổ phiếu giảm giá nếu lợi nhuận của công ty giảm. Nếu chính phủ không bị vỡ nợ, lạm phát sẽ bùng phát cho đến khi toàn bộ các khoản nợ - kể cả đồng tiền – giảm giá trị.

Tại sao các ngân hàng trung ương lại in ra quá nhiều tiền? Mọi đợt siêu lạm phát đều xuất phát từ khủng hoảng tài chính. Việc in tiền là phương thức cuối cùng để cấp ngân sách cho chi tiêu của chính phủ, chứ không phải là ý tưởng bất chợt của thống đốc ngân hàng trung ương.

Kỳ vọng

Chính phủ có thể sử dụng cách thức nào để kiểm soát kỳ vọng rằng giá trị đồng tiền tương đối ổn định trong dài hạn?

Nếu giá cả giảm từ từ thì việc trữ tiền mặt không thành vấn đề đáng lo. Điều này nghĩa là nếu lo ngại giảm phát, người ta sẽ tăng tích trữ tiền mặt. Họ ngừng đầu tư vào nhà đất, ngừng chi trả cho sản phẩm và dịch vụ và rốt cuộc hành vi đó có thể hủy hoại cả nền kinh tế.

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách không muốn giảm phát. Họ thích nền kinh tế có lạm phát đôi chút. Nhật Bản đã thử nghiệm rất nhiều phương thức, nhưng không phương thức nào thực sự hiệu quả để giúp nước này thoát tình trạng giảm phát.

Nhà kinh tế học Milton Friedman cho rằng có thể tạo ra lạm phát bằng cách in tiền. Tuy nhiên, điều này không thực sự hữu ích vì nếu đồng tiền là vật thay thế trái phiếu, người dân sẽ từ bỏ trái phiếu, nắm giữ tiền và sau đó vào một thời điểm nào đó họ sẽ hoán đổi lại.

Kích thích

Nhiều người nghĩ rằng chính phủ nên chi tiêu nhiều hơn khi kinh tế suy thoái. Nói cách khác, chính phủ nên có quyền hạn lớn hơn trong việc quyết định loại hàng hóa và dịch vụ nào nên được sản xuất và tiêu thụ.

Kích thích theo trường phái Keynesia đó là vay tiền lúc này và trả tiền trong tương lai. In tiền có thể gây lạm phát, và hành động được ví như “rải tiền từ trực thăng” ấy của ngân hàng trung ương là chính sách tài khóa, không phải chính sách tiền tệ.

Fed thường in thêm tiền để bơm vào hệ thống thông qua mua nợ chính phủ. Tiền khi đó đóng vai trò công cụ “dẫn hướng kỳ vọng”, kích thích tiêu dùng giúp nền kinh tế vượt suy thoái.

Tuy nhiên, kích thích tài khoá của Mỹ trong cuộc suy thoái năm 2009 không nhiều hiệu quả bởi việc kích thích quá muộn.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện