Thứ Tư | 27/02/2013 15:14

Giấc mộng "Dubai" dang dở của Trung Quốc

Trung Quốc từng mơ ước xây dựng một hòn đảo kiểu Dubai cho riêng mình, nhưng đến nay, giấc mộng ấy đã trở thành một hòn đảo hoang phế.
Đảo Phượng hoàng từng được đặt cho mỹ danh là "Dubai của Trung Quốc": Một hòn đảo nhân tạo với những ngôi nhà chọc trời hình cánh buồm, nổi bật trên nền xanh của biển nhiệt đới. Đã có thời hòn đảo là hình ảnh thu nhỏ của cơn bão bùng nổ bất động sản đang diễn trên mọi ngõ ngách của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá đất trên đảo Phượng hoàng đã giảm không phanh trong những tháng gần đây. Sự suy sụp của hòn đảo chính là hình ảnh rõ nét nhất phản ánh sự mong manh của nền kinh tế Trung Quốc - tăng trưởng vũ bão nhưng thiếu cân bằng.

Còn nhớ, vào thời điểm bong bóng bất động sản Trung Quốc ở mức nóng nhất, các nhà đầu tư đổ xô tới đảo Phượng hoàng và cạnh tranh khốc liệt để giành được một hợp đồng xây dựng những căn hộ hay chung cư cao cấp ở nơi đây. Thậm chí, các quan chức chính phủ Trung Quốc còn không ngần ngại tuyên bố đảo Phượng hoàng sẽ trở thành "kỳ quan thứ 8 của thế giới".

Giấc mộng "Dubai" dang dở của Trung Quốc 1

Nhưng chỉ một thời gian sau, do suy thoái toàn cầu, lợi nhuận bất động sản giảm liên tục khiến các chủ sở hữu và các nhà phát triển buộc phải bán bớt tài sản để huy động tiền mặt hoàn trả vốn kinh doanh.

Kết quả là, các căn hộ ở đảo Phượng hoàng, từ mức giá cao ngất ngưởng 150.000 nhân dân tệ cho mỗi mét vuông (2.200 USD/m²) trong năm 2010, đã giảm hơn một nửa còn 70.000 nhân dân tệ, ông Sun Zhe, chủ một đại lý bất động sản cho hay.

Ông Sun Zhe buồn bã nói: "Tôi đã nhận được hàng trăm cú điện thoại tuyệt vọng của các doanh nhân muốn bán gấp bất động sản trên hòn đảo. Dù đó là cửa hàng đồ chơi, quần áo, siêu thị hay đồ xuất khẩu... các chủ sở hữu do quá cần tiền mặt nên muốn "bán tống bán tháo" chúng ngay lập tức. Họ chính là những người cảm thấy rõ nhất tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu".

Giấc mộng "Dubai" dang dở của Trung Quốc 3

Trong nhiều năm, các chủ sở hữu doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với những lựa chọn đầu tư hạn chế và lãi suất tiền gửi thấp từ các ngân hàng nhà nước. Do đó, họ buộc phải sử dụng bất động sản như một công cụ để dự trữ giá trị, đồng thời cố gắng đẩy giá lên càng cao càng tốt. Kết quả là, nguy cơ bùng nổ bong bóng bất động sản càng tăng cao hơn.

Giáo sư Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, ông Patrick Chanovec, nhận định: "Trung Quốc đã trải qua giai đoạn bùng nổ cho vay và nhiều người coi tài sản là nơi cất giấu tiền an toàn nhất".

Đảo Phượng hoàng là một phần của đảo lớn Hải Nam, nơi từng chứng kiến những đợt tăng giá bất động sản mạnh mẽ nhất Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh tung gói kích thích cực lớn trong năm 2008. Vào thời điểm đó, nhiều người thậm chí còn cắm lều ngủ ngay ngoài đường để đợi mua đất và bất động sản.

Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tín dụng và ngăn cản một người sở hữu nhiều bất động sản cùng lúc đã khiến bất động sản ở những nơi như đảo Phượng hoàng giảm mạnh, bất chấp giá ở một số thành phố lớn vẫn tăng.

Bất động sản là một trong những trụ cột của kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước trong năm 2012. Điều này khiến nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại và tìm cách đưa nền kinh tế thoát khỏi một cuộc đổ vỡ trong bong bóng bất động sản.

Trong khi giá bất động sản giảm, một nghịch lý khác lại đang diễn ra ở Trung Quốc, đó là những người lao động có thu nhập trung bình lại không đủ khả năng để mua một căn nhà, dù lương cơ bản của họ đã được cải thiện.

Nguồn Business Insider/Khampha


Sự kiện