Công nghệ sinh học của Mỹ đang bùng nổ. Ảnh: The Economist.

 
Phùng Mỹ Thứ Năm | 19/08/2021 15:58

'Giấc mộng đổi đời' của các công ty công nghệ sinh học Mỹ

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, cùng nhu cầu đối với vaccine và thuốc điều trị, khiến lĩnh vực công nghệ sinh học của Mỹ bùng nổ.

Theo The Economist, thế giới kỳ vọng tích cực về một thế hệ thuốc đặc trị thông minh mới, đi kèm triển vọng của những công ty phát triển ra các loại thuốc này.

Nhìn thấy cơ hội

Năm 1908, công ty Ashton Valve xây dựng một nhà máy ở ngã tư phố Binney Street giao với phố First Street thuộc thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Là một trong những tên tuổi đáng gờm của ngành công nghệ cao thời đó, Ashton Valve sản xuất các loại máy đo, van, còi, đồng hồ và nhiều thiết bị khác giúp đảm bảo an toàn nồi hơi. 

Hơn 100 năm sau, một nhà sản xuất công nghệ quan trọng khác chuyển đến nơi từng là cơ sở của Ashton và làm sống dậy miền đất vốn lâu nay bị bỏ hoang vào năm 2010: công ty công nghệ sinh học Moderna.

Trong năm qua, các công ty công nghệ sinh học, mà điển hình là Moderna, trở thành chiếc “phao cứu sinh” đồng hành cùng nhân loại trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Sự ra đời của vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA do hãng này sản xuất, tương tự như vaccine Pfizer của hai nhà sản xuất Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức), đã và đang cứu sống hàng triệu người. 

Thành công của Moderna thu hút sự chú ý của giới đầu tư đến ngành công nghệ sinh học, trong đó phần lớn tập trung ở thành phố Cambridge. Là nơi tọa lạc của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts, ngành công nghệ sinh học đang bùng nổ mạnh mẽ tại thành phố ở vùng Đông Bắc bang này. 

Tiến bộ y tế: Chỉ số thị trường chứng khoán của các công ty công nghệ sinh học. Ảnh: Refinitiv Datastream; PitchBook.
Tiến bộ y tế: Chỉ số thị trường chứng khoán của các công ty công nghệ sinh học. Ảnh: Refinitiv Datastream; PitchBook.

Kể từ năm 2010, chỉ số theo dõi các công ty công nghệ sinh học được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Nasdaq tăng gấp 5 lần giá trị, số công ty cũng tăng gấp đôi lên 269 công ty. Từ năm 2011 đến năm 2020, số tiền mà các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học huy động được trong các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tăng từ 4 tỉ USD lên 65 tỉ USD. 

Trong năm 2021, chỉ tính riêng giai đoạn tháng 1 đến 8, các nhà đầu tư mạo hiểm rót hơn 20 tỉ USD vào các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, gần bằng mức kỷ lục được ghi nhận vào năm ngoái là 27 tỉ USD.

Chuyên gia Jean-François Formela thuộc công ty đầu tư mạo hiểm Atlas Venture nhận định, tốc độ mở rộng của ngành công nghệ sinh học Mỹ là không thể tưởng tượng được nếu quay về giai đoạn cách đây 10-15 năm. 

Hiện, các doanh nghiệp mọc lên ở khắp mọi nơi. Flagship Pioneering, một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên hướng dẫn các doanh nhân chuyển những ý tưởng kinh doanh đầy hứa hẹn thành các doanh nghiệp có thể thu hút đầu tư, hướng dẫn thành lập đến 26 công ty kể từ năm 2013. Nhà sáng lập Noubar Afeyan của Flagship Pioneering, đồng thời là Chủ tịch của Moderna, thậm chí đặt ra tham vọng nâng con số này lên mức 10 công ty mỗi năm. 

"Giấc mộng đổi đời" 

Nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ là do nhiều nhà đầu tư đang bị cuốn vào khái niệm “chủ nghĩa tư bản từ thiện”, hiểu nôm na là việc kiếm tiền từ các sản phẩm có thể mang lại lợi ích cho xã hội. 

Theo Chủ tịch Tim Haines của công ty quản lý tài sản có trụ sở tại London Abingworth, đó còn là sự khác biệt trong quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất thuốc. Lâu nay, sản xuất và thương mại thuốc là một quá trình tiêu tốn rất nhiều tiền của, nhưng cũng mang lại những khoản lời kếch xù. 

Ngay cả trước khi sử dụng các công ty công nghệ sinh học để chống lại COVID-19, các chính quyền đã sử dụng các ưu đãi về thuế, quan hệ đối tác, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy ngành công nghiệp này. Ảnh: The Economist.
Ngay cả trước khi sử dụng các công ty công nghệ sinh học để chống lại COVID-19, các chính quyền đã sử dụng các ưu đãi về thuế, quan hệ đối tác, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy ngành công nghiệp này. Ảnh: The Economist.

Đó chính là lý do tại sao theo ước tính của Chủ tịch Haines, 64% thuốc trong giai đoạn phát triển cuối cùng được tạo ra bởi các công ty công nghệ sinh học non trẻ với công nghệ mới, chứ không phải là các công ty dược phẩm lớn như Pfizer.  

Tuy nhiên, trên thực tế, những công ty công nghệ lớn như Pfizer lại thường hợp tác với các công ty công nghệ sinh học nhỏ hơn như BioNTech hoặc mua lại những công ty này, để hợp tác sản xuất và thương mại hóa thuốc, qua đó làm tăng tốc sự phát triển. 

Bản thân những công nghệ này là thành quả của những tiến bộ gần đây trong các liệu pháp điều trị tế bào và gen, cũng như trong cách phân phối và xác định những bệnh nhân có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất.

Điều này đang tạo ra một lực hút tiền mới đổ vào việc đang phát triển phương pháp điều trị ung thư, các bệnh về hệ miễn dịch hoặc liên quan đến não, thậm chí các bệnh truyền nhiễm. 

Các công ty đang cạnh tranh để trở thành một phiên bản Moderna tiếp theo, với giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 5 tỉ USD trong lần IPO vào cuối năm 2018 lên 156 tỉ USD hiện nay. Họ hy vọng “đổi đời” bằng cách lấn sân sang lĩnh vực sản xuất thay vì chỉ tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển. 

Tuy vậy, chỉ một trong 6 công ty được niêm yết trong bộ chỉ số công nghệ sinh học của Nasdaq ghi nhận mức tăng trưởng dương vào năm 2020. Các công ty còn lại để mất tổng cộng 33 tỉ USD. 

Vertex, một “ngôi sao” từng toạ lạc trên phố Binney Street, thua lỗ liên tục kể từ khi thành lập vào năm 1989 cho đến năm 2017. Trong khi đó, Moderna sau khi ghi nhận lần đầu tiên trong một thập kỷ vào quý trước cũng đang chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm. 

Dù vậy, ở góc nhìn tích cực hơn, các chuyên gia cho rằng những công ty đang ôm mộng “đổi đời” cũng có thể tin rằng sự kiên nhẫn sẽ mang lại những “trái ngọt” trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm:

'Nhiễm đột phá', khái niệm gây hiểu lầm về hiệu quả vaccine