Thứ Hai | 15/07/2013 13:18

Giấc mơ BRIC đã chấm dứt?

Dòng vốn rút khỏi các nước BRIC khiến trái phiếu, cổ phiếu và đồng tiền của nhóm này đồng loạt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2006.
Kể từ năm 2003, khi Goldman Sachs dự báo các quốc gia đang phát triển BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ được xếp vào danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ số MSCI BRIC Index đã tăng khoảng 227%. Tuy nhiên, trong năm nay đà tăng trưởng của chỉ số này lại thấp hơn so với S&P 500 nhiều nhất kể từ năm 1998. Theo số liệu của EPFR, nhà đầu tư đã rót 52 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ của BRIC trong giai đoạn từ 2005-2012. Còn trong năm nay, các nhà đầu tư lại rút ròng 13,9 tỷ USD.

Mọi thứ đối với BRIC dường như đang khá khó khăn. Quý II vừa qua, chỉ số MSCI BRIC giảm 12%, trái phiếu Chính phủ BRIC mất bình quân 0.6% và các đồng tiền của khu vực này sụt 4,1% so với đồng USD. Bloomberg cho biết đây là lần đầu tiên trong 7 năm, cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ của các thị trường mới nổi này đồng loạt sụt giảm.

Trung Quốc tăng trưởng hàng năm yếu nhất trong hơn hai thập kỷ. Trong khi đó, thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ đã đẩy đồng rupee xuống thấp kỷ lục. Đà sụt giảm của giá dầu đã khiến tăng trưởng kinh tế Nga giảm tốc 5 quý liên tiếp và Brazil đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng ảm đạm, lạm phát leo thang và làn sóng biểu tình trên đường phố.

Ruchir Sharma, người đứng đầu bộ phận thị trường mới nổi tại Morgan Stanley Investment Management cho biết: "Mỗi thập niên qua, lại xuất hiện một chủ đề thu hút tâm trí nhà đầu tư. Chẳng hạn như trong thập niên 1970 là vàng, thập niên 1980 là Nhật Bản, và thập niên 1990 là về các công ty công nghệ. Thập niên vừa qua là về BRIC và hiện tại chủ đề này đã qua".

Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba tuần trước, nhà kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cho biết: "Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, BRIC đang bước vào giai đoạn gập ghềnh".

Đà bán tháo có thể hơi quá. Mức sụt giảm 17% của MSCI BRIC trong năm nay đã khiến chỉ số này đang giao dịch ở mức 1,2 lần tài sản ròng, thấp hơn 36% so với chỉ số MSCI All-Country World Index - chỉ số gồm các nền kinh tế đại diện cho 62% tăng trưởng toàn cầu tính đến thời điểm cuối năm ngoái.

Nguồn Vietstock


Sự kiện