Ảnh: Lê Toàn

 
Việt Dũng Thứ Hai | 02/09/2019 10:00

Giá vàng leo nữa hay nghỉ?

Giá vàng thế giới lẫn trong nước tiếp tục leo thang, phá mốc 43 triệu đồng/lượng trong nhiều năm qua.

Nếu mua và nắm giữ từ cuối năm ngoái, đến nay, các nhà đầu tư tại Việt Nam có thể kiếm lời được hơn 14%. Con số này hấp dẫn hơn nhiều nếu so với thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index từ đầu năm nay tăng 9,8%. Nhưng liệu có nhà đầu tư nào dũng cảm theo đuổi cuộc chơi với vàng?

Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 4,61% so với tháng trước, tăng 14,33% so với tháng 12.2018 và tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, bình quân giá vàng thế giới tính đến ngày 24.8 tăng 5,46% so với tháng 7. “Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đồng USD giảm giá khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất từ ngày 31.7”, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.

Gia vang leo nua hay nghi?
 

Tính đến ngày 29.8, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.535,4 USD/ounce, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 27,31% so với cùng kỳ. Tại Việt Nam, giá vàng Việt Nam có xu hướng leo thang cùng nhịp với giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng miếng trong nước của Tập đoàn Doji đã lên đến hơn 43 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, giá vàng SJC cũng gần xấp xỉ. Có thời điểm giá vàng đã qua mốc 43 triệu đồng/lượng, thiết lập đỉnh giá mới kể từ năm 2013 trở lại đây.

Mặc dù mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây được thiết lập, nhưng một chuyên gia nhận định rằng thị trường ngày nay đã có nhiều điểm khác trước. Người mua vàng cũng ngại ngần không chỉ vì kim loại vàng vốn đỏng đảnh, mà các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cũng kéo giãn chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra, có khi đến 800.000 đồng/lượng, cao hơn nhiều so với mức phổ biến 200.000-300.000 đồng/lượng.

TP.HCM là một trong những địa bàn có hoạt động giao dịch vàng khá sôi động trong cả nước với gần 830 điểm kinh doanh vàng miếng tính đến cuối tháng 7. Tuy nhiên, số liệu dẫn lại của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay giao dịch tháng 7 giảm so với tháng 6 dù giá tăng mạnh. Theo đó, doanh số bán ra khoảng 166.000 lượng, giảm 27% so với tháng 6, lượng mua vào là 160.000 lượng, giảm 30%.

Nhiều chuyên gia cho rằng vàng là nơi cất giữ tài sản an toàn cho các tổ chức, vốn có kế hoạch trung dài hạn, chứ không chỉ dành cho cá nhân toan tính chuyện đầu cơ. Thời của việc lướt sóng vàng gần như đã qua và mua vàng trong thời điểm loạn giá không phải là điều mà các chuyên gia khuyến cáo lúc này.

Về yếu tố vĩ mô, nhiều chuyên gia quốc tế tin rằng, kim loại vàng vẫn còn được hỗ trợ tốt chừng nào căng thẳng Mỹ - Trung vẫn còn tiếp diễn. Thêm nữa, nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Trên thực tế FED đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay liên bang hồi cuối tháng 7, sau đó ngân hàng trung ương nhiều nước cũng đua nhau giảm lãi suất nội tệ, khiến vàng càng được ưa chuộng, trở thành nơi trú ẩn của nhiều định chế tài chính và các quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, những tín hiệu bất ngờ gần đây là các ngân hàng trung ương trên thế giới đang đẩy mạnh việc mua vàng. Theo báo cáo quý II/2019 của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu mua vàng trong 6 tháng qua là 2.181,7 tấn, cao nhất trong 3 năm qua. Phần lớn là các ngân hàng trung ương, mua đến 224,4 tấn vàng trong quý II, là mức mua ròng trong 19 năm trở lại đây.

Gia vang leo nua hay nghi?
 

“Sự ổn định của nhu cầu ngân hàng trung ương sẽ giúp giá vàng tăng cao hơn trong các khung thời gian dài hơn”, tờ Bloomberg dẫn lại báo cáo của Deutsche Bank. Chuyên gia Phil Streible của RJO Futures trao đổi với Kitco News: “Chúng tôi đã thấy khoảng 489.000 ounce vàng và khoảng 1,2 triệu ounce bạc đi vào các quỹ ETF ngày 27.8. Đó là số lượng nắm giữ vàng lớn nhất mà chúng tôi đã thấy trong cả năm. Tôi tin rằng vàng sẽ đạt 1.600 USD/ounce”.

Tại sao các tổ chức quản lý tiền tệ lại muốn mua vàng? Theo ông Jeff Currie, phụ trách nhóm nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs Group, đó là vì “họ không muốn sở hữu USD với rủi ro xử phạt, rủi ro địa chính trị và rủi ro chiến tranh thương mại”.

Đà tăng của vàng về dài hạn vẫn còn trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước nới lỏng chính sách tiền tệ và bất ổn địa chính trị nhiều nơi trên thế giới. Các quỹ giao dịch vàng lớn trên thế giới cũng đẩy mạnh mua vàng trong thời gian gần đây. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust trong tháng 8 đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 6,6%.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi sự bứt phá của giá vàng ở ngưỡng 1.600 USD/ounce. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng cũng bị kiếm chế lại sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết 2 bên nên tạo điều kiện cho những tiến triển trong đàm phán và rằng Trung Quốc phản đối leo thang căng thẳng thương mại.