"Tôi không muốn sống chung với bố mẹ nữa, nhưng giá thuê nhà không cho phép tôi ra riêng.", được ghi trên tấm biển biểu tình đòi điều kiện nhà ở tốt hơn ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP.
Giá thuê trên trời và ước mơ nhà riêng ngoài tầm với của giới trẻ châu Âu
Tháng 9 luôn là thời điểm bận rộn đối với thị trường cho thuê nhà ở Paris, khi sinh viên quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ hè, nhu cầu về chỗ ở giá rẻ tăng cao.
Nhưng vào năm 2023, những người thuê nhà tìm phòng hoặc studio giá rẻ phải đối mặt với thách thức khó khăn hơn bao giờ hết. Theo một nghiên cứu hàng năm của Deloitte được công bố vào tháng 8, thủ đô của Pháp hiện là thành phố đắt đỏ thứ 2 ở EU - sau Dublin (với mức thuê 28,50 euro/m2/tháng).
Tại các thành phố trên khắp châu Âu, giá thuê nhà cùng với chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao buộc người dân phải thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Nhưng không chỉ dừng lại ở người trẻ châu Âu. Khi giá thuê nhà ở Paris, Berlin và Lisbon đạt mức cao chưa từng thấy, lãi suất cho vay thế chấp cũng tăng trên toàn khối, đẩy chi phí lên cao đối với các chủ sở hữu nhà.
Tại khu vực Paris, doanh số bán bất động sản đã giảm 23% trong quý II/2023. Không thể mua được do lãi suất cao, một lượng lớn người có tham vọng sở hữu nhà đang gây thêm áp lực lên thị trường cho thuê vốn căng thẳng.
Bà Ruth Owen, Phó Giám đốc của FEANTSA, một liên đoàn châu Âu gồm các tổ chức quốc gia làm việc với người vô gia cư có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Có một vấn đề mang tính cơ cấu cơ bản là chi phí nhà ở đã tăng nhanh hơn thu nhập trong nhiều thập kỷ ở Liên minh châu Âu và xu hướng đó đã tăng tốc ở nhiều nơi. Tức là các hộ gia đình rất dễ bị tổn thương khi có bất kỳ cú sốc bên ngoài nào”.
Và trong những năm gần đây, các cú sốc bên ngoài rất nhiều: COVID-19, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do chiến tranh ở Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu. Tất cả đều góp phần khiến tình hình trên toàn thị trường nhà ở trở nên tồi tệ hơn.
Thiếu nguồn cung
Có rất ít hy vọng để cải thiện nhanh chóng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục 4% vào giữa tháng 9 và sẽ duy trì ở mức cao để đẩy lùi lạm phát, Giám đốc ECB Christine LaGarde cho biết.
Nguồn cung nhà ở cũng gặp rủi ro. Khi nhu cầu về nhà giảm, việc xây dựng nhà trên khắp khu vực đồng euro đã chậm lại ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Theo báo cáo năm 2023 của cơ quan nghiên cứu Viện IFO ở Munich, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Đức, nơi dự kiến số lượng xây dựng nhà ở mới sẽ giảm 32% trong khoảng thời gian từ năm 2023-2025.
Ngoài ra còn có những vấn đề dai dẳng khác với nhà ở hiện tại. Chẳng hạn như, việc xây dựng những ngôi nhà thích ứng đặc biệt với dân số già đang phải đối mặt với những thách thức về khí hậu và năng lượng ngày càng gia tăng, vấn đề hiện tại chỉ có thể được giải quyết khi nguồn cung xây dựng có giá thành hợp lý hơn.
Cam kết chính trị
Điều tồi tệ nhất là tình trạng thiếu nhà ở chất lượng tốt, giá cả phải chăng có thể sẽ đẩy giá lên cao hơn và làm giảm khả năng tiếp cận của những người ít có khả năng mua.
Tuy nhiên, niềm tin vào thị trường đang ở mức thấp. Theo một nghiên cứu từ Weil, Gotshal & Manges, một công ty tư vấn pháp lý toàn cầu, bất động sản là lĩnh vực gặp khó khăn nhất ở châu Âu vào năm 2023, chịu mức độ bất ổn tài chính, biến động cao nhất và rủi ro gia tăng.
Bà Yordanova cho biết, việc tránh các đỉnh và đáy do khủng hoảng gây ra đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận ở một số quốc gia và thành phố. “Ở nhiều nước, nhà ở được coi là tài sản và nó thường được sử dụng để đầu cơ hoặc đầu tư. Nếu nhìn vào một số hệ thống nhà ở thành công nhất trên khắp châu Âu, chúng ta sẽ thấy sự đầu tư liên tục vào nhà ở công cộng, để khi rơi vào khủng hoảng, những người dễ bị tổn thương nhất sẽ không rơi vào tình trạng khó khăn”.
Thế nhưng điều cần thực thi nhất không xảy ra trên khắp lục địa. Bà Owen cho biết: “Gần 900.000 người phải ngủ ngoài đường hoặc ở trong những nơi ở dành cho người vô gia cư mỗi đêm ở EU”. Theo số liệu từ FEANTSA, số người vô gia cư ở EU đã tăng 30% kể từ năm 2019.
Nhà ở xã hội dạng chung cư Karl-Marx-Hof ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP. |
Còn tại thủ đô Vienna của Áo, thành phố đầu tư khoảng 500 triệu euro vào xây dựng và cải tạo nhà ở cũng như hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Gần 60% dân số sống trong nhà ở thành phố hoặc nhà ở được nhà nước trợ cấp.
Phần Lan là một ví dụ khác về việc chính sách dài hạn của chính phủ có thể giảm thiểu thành công tình trạng vô gia cư. Cách tiếp cận của Phần Lan hoạt động dựa trên nguyên tắc “nhà ở là trên hết”, công nhận nhà ở là một quyền cơ bản của con người mà một khi được cung cấp sẽ đóng vai trò là nền tảng để giải quyết các vấn đề khác.
Bà Owen tin rằng những sáng kiến tương tự có thể thực hiện được trên khắp EU. Bà nói: “Bước đầu tiên để giải quyết tình hình ở Liên minh châu Âu là một cam kết chính trị”.
Có thể bạn quan tâm:
Doanh nghiệp Mỹ vẫn "khát" người lao động
Nguồn France 24