Những người nông dân đang thu hoạch lúa mì ở Druzhkivka, Ukraine.

 
Mỹ Quyên Thứ Ba | 01/11/2022 16:27

Giá ngũ cốc tăng vọt khi Nga bất ngờ rút khỏi thoả thuận xuất khẩu với Ukraine

Giá lúa mì toàn cầu tăng mạnh hôm ngày 31/10 sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen vào cuối tuần rồi.

Hợp đồng lúa mì lớn nhất trên Sàn giao dịch Chicago (ban đầu chỉ giao dịch các mặt hàng nông sản như lúa mì, ngô và đậu nành) đã tăng 5,8% lên 8,77 USD/giạ, sau khi chạm mức cao 8,93 USD/giạ trước đó. Giá ngô và đậu tương cũng tăng nhưng ở mức độ thấp hơn với giá ngô kỳ hạn tăng 2,6% và giá đậu tương kỳ hạn tăng 0,7%.

Quyết định rút khỏi một thoả thuận thời chiến về xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dẫn tới việc giá lương thực tăng mạnh trở lại.

Giá lúa mì tính tới ngày 31/10/2022
Giá lúa mì tính tới ngày 31/10/2022

Thoả thuận nói trên là do Liên hiệp quốc hậu thuẫn, nhằm đảm bảo an toàn cho việc xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc qua các cảng biển ở phía Nam Ukraine, nơi là vùng chiến sự từ nhiều tháng nay. 

Quyết định rút khỏi thoả thuận của Nga xuất phát từ vụ tấn công vào cuối tuần qua, nhằm vào những con tàu ở cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea, lãnh thổ trước đó thuộc về Ukraine nhưng sáp nhập Nga hồi năm 2014. Ukraine gọi tuyên bố này của Nga “chỉ là cái cớ”.

Động thái rút khỏi thoả thuận của Nga khiến các nhà giao dịch ngũ cốc và giới phân tích sửng sốt. Nhiều người trong số họ đã tính đến khả năng thoả thuận này sẽ không được gia hạn sau khi kết thúc vào giữa tháng 11, nhưng không thể lường trước được việc thoả thuận bị cắt đứt đột ngột như vậy.

“Chúng ta sẽ chứng kiến giá cả tăng mạnh”, Giám đốc Andrey Sizov của công ty tư vấn thị trường ngũ cốc khu vực Biển Đen SovEcon phát biểu, nói thêm rằng động thái của Moscow nằm trong “kịch bản tệ nhất” mà công ty này đưa ra trước đó.

Chuyên gia kinh tế Arif Husain của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc nói rằng “hàng chục quốc gia” sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn mới của nguồn cung lương thực từ Ukraine - một nước xuất khẩu chủ chốt ngũ cốc và các mặt hàng lương thực khác của thế giới. “Trong điều kiện thuận lợi, một quyết định như vậy đã là tồi tệ. Trong tình trạng hiện tại của thế giới, đây là một vấn đề cần được giải quyết sớm nhất có thể”, ông Husain nói.

Một bức ảnh chụp các chướng ngại vật chống xe tăng trên cánh đồng lúa mì tại một trang trại ở miền Nam Ukraines. Ảnh: Getty Images.
Một bức ảnh chụp các chướng ngại vật chống xe tăng trên cánh đồng lúa mì tại một trang trại ở miền Nam Ukraines. Ảnh: Getty Images.

Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine nói rằng 128 tàu ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi quyết định trên. Trong đó, 95 tàu đã vào cảng và đang đợi ở khu vực kiểm tra trước khi dỡ hàng, 101 tàu đang chờ kiểm tra trước khi bốc hàng, và 22 tàu đã bốc hàng và sẵn sàng khởi hành.

Uỷ ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cảnh báo về “những hậu quả thảm khốc từ việc Nga rút khỏi” thoả thuận được ký kết ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè này. Theo nội dung của thoả thuận, phía Nga sẽ đảm bảo sự ra, vào an toàn của các tàu chở hàng mang theo ngũ cốc từ vùng Biển Đen vốn trước đó bị phong toả do chiến sự giữa Nga và Ukraine. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang đàm phán tích cực với Nga và Ukraine để cứu thoả thuận.

Con tàu chở hàng khô mang cờ Sierra Leone, Razoni, khởi hành từ cảng Odesa đến lối vào Biển Đen ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images.
Con tàu chở hàng khô mang cờ Sierra Leone, Razoni, khởi hành từ cảng Odesa đến lối vào Biển Đen ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images.

“Thoả thuận do Liên hiệp quốc hậu thuẫn đã mang lại một tia hy vọng. Giờ đây, tia hy vọng đó lại bị dập tắt”, Giám đốc tình trạng khẩn cấp khu vực Đông Phi của IRC, ông Shashwat Saraf, nhận định. Ông nói rằng những nước nghèo nhất thế giới như Yemen và Somalia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đông Phi là khu vực phụ thuộc nhiều vào lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói thoả thuận đã cho phép xuất khẩu 9 triệu tấn lương thực, giúp hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu vốn tăng cao sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Ông kêu gọi “tất cả các bên giữ lại sáng kiến quan trọng có vai trò cứu sinh mạng này”.

Ông Josep Borrell, quan chức đối ngoại cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU), cũng kêu gọi Moscow đảo ngược quyết định, nói rằng quyết định đó “đặt tuyến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón chủ chốt vào thế rủi ro, đúng vào lúc tuyến xuất khẩu này là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”.

Bảo vệ quyết định của Nga, đại sứ Nga tại Mỹ lập luận rằng điều “tồi tệ thực sự” chính là việc Mỹ không chỉ trích các cuộc tấn công nhằm vào chiến hạm Nga ở Sevastopol.

Có thể bạn quan tâm: 

Châu Âu đang thừa khí đốt, giá thậm chí chạm đến ngưỡng âm

Nguồn CNBC