Ảnh: The Economist.

 
Phùng Mỹ Thứ Năm | 23/09/2021 11:29

Giá khí đốt tự nhiên đang tăng mạnh trên toàn cầu

Nguyên nhân là do thời tiết bất thường và nguồn cung bị gián đoạn.

Theo The Economist, tình trạng thiếu khí tự nhiên đang bắt đầu gay gắt trên khắp thế giới. Trong 2 tuần qua, giá điện ở Đức và Pháp đã tăng khoảng 40%. Tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh và Tây Ban Nha, các chính phủ đang gấp rút thông qua các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người tiêu dùng. Các nhà máy đang tạm ngừng hoạt động, từ nhà máy luyện nhôm ở Mexico đến nhà máy phân bón ở Anh.

Nhiều thương nhân cho rằng, điều này giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với hàng hóa. Ngay cả ở Mỹ, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, các nhóm vận động hành lang đang kêu gọi chính phủ hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Giá của khí đốt này đã tăng lên 25 USD / triệu đơn vị nhiệt của Anh (mBTU), tăng hai đến 3 lần  trong tháng qua.

Biến động giá khí đốt tự nhiên. Ảnh: ICIS.
Biến động giá khí đốt tự nhiên. Ảnh: ICIS.

Cuộc khủng hoảng có những nguyên nhân phức tạp, với một loạt các yếu tố từ địa chính trị đến việc tích trữ đề phòng ở châu Á khiến giá cả tăng cao hơn. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, nguyên nhân có thể rất đơn giản: một thị trường năng lượng chỉ có các vùng đệm an toàn mỏng đã trở nên nhạy cảm với sự gián đoạn. Việc giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch có thể gây nên sự biến động cao hơn.

Sự hụt hẫng đã khiến hầu hết mọi người đều ngạc nhiên. Nhờ các nhà máy LNG mới đi vào hoạt động ở Mỹ mà trong năm 2019 sản lượng khí đốt đã tăng trên thị trường quốc tế. Khi đại dịch xảy ra và việc ngừng hoạt động đã hạn chế nhu cầu, phần lớn lượng khí đốt dư thừa đã được lưu trữ ở châu Âu. Điều này rất có lợi vào mùa đông năm ngoái, khi cái lạnh ở Bắc Á và châu Âu tràn về. Sự đóng băng đã đẩy nhu cầu sưởi ấm lên cao.

Giá khí đốt toàn cầu tăng vọt khiến các nhà điều hành năng lượng lo ngại. Ảnh: Reuters.
Giá khí đốt toàn cầu tăng vọt khiến các nhà điều hành năng lượng lo ngại. Ảnh: Reuters.

Tại châu Á, giá khí đốt tăng gấp 4 lần trong vòng 3 tháng. Những người mua, chẳng hạn như các công ty khí đốt quốc gia, đã tìm đến thị trường LNG để cung cấp nguồn cung. Nhiều chuyến hàng đến từ châu Âu đã được chuyển hướng đến châu Á. Ngược lại, châu Âu lại giảm lượng dự trữ của mình. Giá ở đó chỉ tăng nhẹ.

Năm nay, hiện tượng thời tiết cực đoan đã trở lại. Mùa hè nóng nực đã làm bùng nổ nhu cầu khí đốt ở châu Á. Theo công ty tài chính AllianceBerntein, khu vực này chiếm gần 3/4 lượng nhập khẩu LNG toàn cầu. Trung Quốc dẫn đầu nhờ sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Trong nửa đầu năm 2021, sản lượng điện nước này đã tăng 16% so với năm trước.

Ba phần năm nguồn điện của Trung Quốc được tạo ra từ than đá; một phần năm đến từ thủy điện. Nhưng sản lượng thủy điện thấp do hạn hán. Và nhu cầu than giảm một phần do các chính sách thân thiện với môi trường, chẳng hạn như thay thế các lò hơi đốt than bằng khí đốt. Đầu tư vào khai thác than cũng ở mức thấp. Điều đó càng làm cho thị trường phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên.

Trong nửa đầu năm, sản lượng khí tăng nhanh hơn so với than hoặc thủy điện. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng 26% so với năm trước.

Các quốc gia khác nhu cầu khí đốt cũng cao hơn, một phần là do mùa hè năm nay khá nóng ở châu Á. Ngoài ra, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan đã tăng cường các cơ sở lưu trữ của họ. Trong khi đó, hạn hán ở Mỹ Latinh, nơi có một nửa năng lượng từ thủy điện, đã làm tăng nhu cầu về khí đốt ở đó. Nhu cầu LNG của khu vực đã tăng gần gấp đôi trong năm qua.

Nhu cầu bùng nổ đã được đáp ứng với nguồn cung LNG thấp hơn. Nhiều sự gián đoạn nhỏ đã ảnh hưởng đến sản lượng toàn cầu. Một số sự cố ngừng hoạt động là do công việc bảo trì bị trì hoãn trong đại dịch. Những vụ khác, chẳng hạn như vụ cháy nhà máy LNG ở Na Uy cũng không nằm trong tiên liệu.

Theo ước tính của Mike Fulwood thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, tác động tổng hợp của tất cả những gián đoạn này là cắt giảm khoảng 5% nguồn cung LNG toàn cầu.

Với việc LNG bị hút vào châu Á, người mua châu Âu sẽ ít hơn. Nhập khẩu LNG vào châu Âu thấp hơn khoảng 20% ​​so với năm ngoái. Lượng khí tồn kho thấp hơn khoảng 25% so với mức trung bình dài hạn. Sản lượng khí đốt cũng giảm ở Anh và Hà Lan.

Các nhà phân tích đã kỳ vọng công ty Gazprom của Nga, công ty cung cấp một phần ba khí đốt cho châu Âu, sẽ tạo nên sự khác biệt. Dù đã đáp ứng tất cả các hợp đồng khí đốt dài hạn cho châu Âu trong năm nay, Gazprom vẫn chưa bán thêm khí đốt trên thị trường giao ngay. Một số người nghi ngờ Gazprom muốn tăng tốc độ khai trương đường ống dẫn khí đốt lớn Nord Stream 2.

Châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết đặc biệt theo những cách khác nhau. Ở Đức, trong hai tuần đầu tiên của tháng 9, sản lượng điện từ gió thấp hơn 50% so với mức trung bình trong 5 năm. Hơn nữa, giá than cũng đang ở mức cao gần kỷ lục do nhu cầu điện và sản xuất bị tắc nghẽn. Chi phí giấy phép carbon của châu Âu cũng cao kỷ lục. Những điều này đẩy giá thành của khí đốt tự nhiên tăng cao.

Tuy nhiên, thị trường khí đốt của Mỹ đã đáp ứng nhu cầu quốc tế. Trong nửa đầu năm, Mỹ xuất khẩu khoảng 1/10 sản lượng khí đốt tự nhiên, tăng 42% so với năm trước, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Nhưng ngay cả khi Mỹ sản xuất trong nước nhiều hơn, điều đó cũng không giúp cân bằng thị trường LNG quốc tế. Các cơ sở LNG ở Mỹ đang hoạt động gần hết công suất. Các cơ sở hóa lỏng ở các nước sản xuất khí đốt lớn khác như Australia và Qatar cũng vậy. Việc mở rộng các nhà máy LNG phải mất nhiều năm mới thực hiện được.

Điều gì có thể làm giảm sức nóng của thị trường trong ngắn hạn? Điều này có thể nhờ vào những nhà máy điện ở Pakistan và Bangladesh, nơi người ta bắt đầu chuyển sang sử dụng dầu từ LNG. Một khả năng khác là nguồn cung từ Nga tăng. Nhưng không rõ Nga có thể sản xuất thêm bao nhiêu. Một khả năng cuối cùng là thời tiết ấm hơn, để nhu cầu khí đốt ít lại. Tất cả sẽ có câu trả lời trong mùa đông này.

Có thể bạn quan tâm:

Cái giá của chiến lược "Zero COVID-19" ở Trung Quốc