Gia đình Hàn Quốc oằn mình với gánh nợ
Tình cảnh của những gia đình như nhà Lee Sang-kuk đang ngày càng phổ biến tại Hàn Quốc, nơi tổng dư nợ của các hộ đã lên tới mức kỷ lục 937,5 nghìn tỷ won (882,7 tỷ USD) vào tháng 9 năm ngoái, tương đương trên 70% GDP của nước này trong năm 2011.
Núi nợ gia đình ở Hàn Quốc bắt nguồn từ những cải cách được đề ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, buộc các ngân hàng nước này quay sang cho vay tiêu dùng thay vì cho vay tới các doanh nghiệp. Kết quả là một làn sóng vay thế chấp ồ ạt, được tiếp sức bởi lãi suất thấp và niềm tin rằng bất động sản là một khoản đầu tư bảo đảm.
Kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm kể từ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên tạm kết thúc năm 1953, nhưng trong những năm gần đây, nước này đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm lại. Thị trường bất động sản lao dốc và một nền kinh tế trì trệ đã dẫn đến thất nghiệp tăng, đẩy những gia đình vốn chỉ dựa vào đồng lương vào cảnh bất ổn.
Một số ước tính của chính phủ đã đưa ra con số những người đang có nguy cơ vỡ nợ cao là trên 6 triệu, chiếm trên 10% dân số. Những người có con cái đang ở độ tuổi đi học còn phải chịu thêm gánh nặng chi phí học thêm, vốn được coi là điều kiện không thể thiếu để mỗi học sinh bước được vào giảng đường đại học trong một hệ thống thi cử cạnh tranh gay gắt tại Hàn Quốc.
Theo giáo sư trường Đại học Triều Tiên, Lee Phil-sang, vấn đề nợ gia đình đang ngày càng xấu đi do tình trạng tăng gánh nặng cả vốn lẫn lãi của những người lao động tự làm chủ, vốn chiếm gần 1/3 lực lượng lao động của cả nước.
Trong khi đó, số gia đình thu nhập thấp đang phải vay nợ để trang trải chi phí cuộc sống vẫn tăng đều. “Nợ gia đình giống như bệnh ung thư trong cơ thể chúng ta. Nếu không kiểm soát, nó sẽ trở nên nguy hiểm với nền kinh tế bởi khả năng trả nợ sẽ xấu đi nhanh chóng trong bối cảnh khó khăn kinh tế”, giáo sư Lee nhận định.
Tình trạng nợ gia đình ngày càng nặng nề đang cản trở các nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa và kéo nền kinh tế khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Nguồn Báo Tin tức