Châu Âu đã ghi nhận số giờ có giá điện âm kỷ lục do mất cân đối giữa cung và cầu khi sản lượng điện mặt trời tăng vọt. Ảnh: Reuters.
Giá điện âm kỷ lục tại châu Âu cho thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực gì?
Năm nay, châu Âu đã ghi nhận một kỷ lục về số giờ có giá điện âm, do sự mất cân đối giữa cung và cầu khi sản lượng điện mặt trời tăng vọt. Điều này đặt ra một cơ hội để chuyển hướng đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng cần thiết.
Các thị trường bán buôn điện ở hầu hết các quốc gia chủ chốt của châu Âu phải bán giá bằng không hoặc âm trong những giờ kỷ lục trong năm tháng đầu năm nay, nhất là vào những thời điểm có nhu cầu thấp. Do đó, các nhà sản xuất điện thường xuyên phải trả tiền cho khách mua sỉ. Nếu không, những cánh đồng điện sẽ phải dừng hoạt động.
Ông Markus Hagel, Chuyên gia chính sách năng lượng tại công ty tiện ích Trianel (Đức), cho biết sự phát triển nhanh của thủy điện và điện hạt nhân đã góp phần vào tình trạng dư thừa, nhưng châu Âu cũng đã chứng kiến sự mở rộng đáng kể của năng lượng mặt trời.
Theo dữ liệu của SolarPower Europe, công suất điện mặt trời được lắp đặt trong Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp đôi lên 263 GW từ năm 2019 đến 2023. Chỉ riêng trong năm 2023, có thêm 306.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trung bình mỗi ngày ở EU. Việc này đã khiến nhiều thị trường châu Âu buộc bán giá âm trong những giờ có nhu cầu sử dụng điện thấp trong ngày.
Trianel cho biết, công ty đã đầu tư vào 800 megawatt (MW) công suất điện mặt trời và có một dự án pipeline 2.000 MW, nhưng giá thấp hiện tại đang buộc họ phải xem xét lại phương án bán điện. Điện mặt trời bùng nổ một phần vì không còn cần trợ cấp, khi các nhà phát triển đồng ý ký kết các hợp đồng mua điện (PPA) với người mua cùng các điều khoản cố định gắn liền với giá trên thị trường, cho phép xây dựng các dự án nhanh chóng và lớn hơn so với các cuộc đấu giá giới hạn khối lượng trước đây được chính phủ hỗ trợ.
Giá điện âm không phải là điều mới mẻ đối với Đức, quốc gia có công suất điện mặt trời và điện gió biến động lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, năm 2024 sẽ là năm đầu tiên Tây Ban Nha trải qua tình trạng tương tự, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh của điện mặt trời.
“Điều này không khiến chúng tôi lo lắng ở thời điểm hiện tại. Điều khiến chúng tôi lo lắng là việc tình trạng này có thể lặp lại hoặc kéo dài trong tương lai. Thực tế, các hợp đồng PPA mới đang giảm”, ông José María González Moya, Tổng Giám đốc Tổ chức vận động năng lượng tái tạo APPA Renovables, cho biết.
Đức và Tây Ban Nha đang dẫn đầu thị trường PPA. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện mặt trời vẫn buộc phải bán điện với mức chiết khấu ngày càng tăng so với các nhà sản xuất điện suốt ngày đêm.
“Nếu tình trạng này tiếp tục, biên lợi nhuận sẽ ngày càng mỏng đi và đầu tư sẽ chậm lại. Song, thị trường điện hiện tại đang chứng kiến sự gia tăng khoảng cách giữa giá điện thấp và giá điện cao, tạo ra động lực để đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng”, ông Jens Hollstein, Trưởng bộ phận tư vấn tại nền tảng định giá PPA Pexapark, cho biết.
Tăng cường lưu trữ là chìa khoá
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo thường niên đã nhấn mạnh về sự cần thiết của việc lưu trữ năng lượng. Theo IEA, các nhà phát triển không nên chỉ tập trung vào việc xây dựng công viên điện gió và điện mặt trời PV mà cần kết hợp với việc lưu trữ pin hoặc các nguồn linh hoạt khác. Nguyên nhân là doanh thu tiềm năng của các dự án này có thể giảm trong giai đoạn cao điểm sản xuất, dẫn đến giảm lợi nhuận và ảnh hưởng đến việc đầu tư.
Theo ước tính của EU, để phù hợp với dự báo năng lượng tái tạo chiếm tỉ lệ 69% trong hệ thống điện của họ vào năm 2030, lưu trữ năng lượng trong khối cần tăng gấp ba lần so với năm 2022. Đây là một mục tiêu đầy thách thức và đòi hỏi sự tăng cường về cơ sở hạ tầng và công nghệ lưu trữ.
Ngoài việc lưu trữ năng lượng trong pin để ứng phó với các giai đoạn dư thừa cung, người tiêu dùng còn có thể tận dụng các tùy chọn khác như lưới điện thông minh được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (A.I). Điều này giúp người tiêu dùng tối ưu hóa việc sử dụng điện của mình, từ đó tiết kiệm chi phí và đảm bảo an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi từ giảm giá điện sau cuộc chiến tranh ở Ukraine do họ thường bị ràng buộc bởi các hợp đồng dài hạn. Chỉ những người đã đầu tư vào máy bơm nhiệt, bộ sạc xe điện hoặc hệ thống lưu trữ mới mới có thể tận dụng được giá âm. Đại diện của Hiệp hội tiện ích địa phương Đức VKU cho biết chỉ những người có hợp đồng giá cố định mới có thể cảm nhận được tác động tích cực từ giá điện âm khi chúng kéo giảm giá trung bình trên thị trường trong thời gian dài.
Có thể bạn quan tâm:
Thị trường việc làm Trung Quốc đang "khắc nghiệt nhất"
Nguồn Reuters