Bức tranh toàn cầu cũng khác biệt rõ rệt so với năm 2022. Ảnh: Getty Images.

 
Mỹ Quyên Thứ Hai | 14/10/2024 17:16

Giá dầu thế giới có thể tăng đến mức nào?

Rủi ro địa chính trị đang gia tăng. Nhưng nguồn cung dầu cũng vậy.

Người tiêu dùng, tài xế và cả chính trị gia trên toàn thế giới đều đang lo lắng dõi theo giá dầu. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bắt đầu từ một năm trước đang lan rộng. Nếu chiến tranh toàn diện nổ ra giữa Israel và Iran, mối đe dọa đối với Trung Đông, một khu vực sản xuất 1/3 dầu thô của thế giới, ngày càng hiện hữu và đáng sợ. Ít có mặt hàng nào ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các cuộc bầu cử tại Mỹ nhiều như dầu mỏ. Hai năm lạm phát vừa qua đã cho thấy cử tri ghét cú sốc giá đến mức nào.

Giá dầu tăng 10% trong một tuần, khi Israel tấn công Hezbollah, một lực lượng dân quân Lebanon được Iran hậu thuẫn, và Iran trả đũa bằng khoảng 200 tên lửa bắn thẳng vào Israel. Vào ngày 7/10, giá dầu đạt 81 USD/thùng, trước khi giảm. Hai năm rưỡi trước, cuộc tấn công Ukraine của Nga đã khiến giá dầu tăng vọt lên hơn 120 USD, khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và nỗi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới ngày càng gia tăng.

Điều gì có thể xảy ra lần này? Nếu cuộc chiến trở nên tồi tệ hơn, một cú sốc dầu nghiêm trọng là có thể xảy ra. Nhưng tình trạng dư cung đồng nghĩa với việc thị trường dầu ít bị tác động hơn so với cú sốc vào năm 2022.

Khi tờ The Economist đưa tin này, Israel vẫn chưa trả đũa Iran. Vào ngày 3/10, ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, đã làm rung chuyển thị trường khi ông ám chỉ rằng cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran có thể nằm trong tầm ngắm của Israel. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều mục tiêu có thể xảy ra. Và ngay cả khi sản lượng dầu của Iran bị gián đoạn, thì nước này cũng không phải là nước sản xuất lớn như Nga. Nước này xuất khẩu gần 2 triệu thùng mỗi ngày (BPD), khoảng 2% nguồn cung toàn cầu. Để so sánh, Nga xuất khẩu gần 5 triệu BPD.

 

Bức tranh toàn cầu cũng khác biệt rõ rệt so với năm 2022. Khi Nga tấn công Ukraine, dầu mỏ khan hiếm và nhu cầu đang tăng mạnh trở lại, khi các nền kinh tế thế giới thoát khỏi lệnh phong tỏa do Covid. Thị trường lúc đó hoàn chín muồi cho một sự đảo lộn.

Ngày nay, thế giới đang "bơi" trong dầu mỏ. OPEC và các đồng minh có công suất dự phòng hơn 5 triệu thùng/ngày; riêng Ả Rập Xê Út có thể tăng sản lượng thêm 3 triệu thùng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sản lượng của các nước không thuộc OPEC sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Cùng lúc đó, nhu cầu dầu mỏ vẫn còn yếu. Sau khi phục hồi sau đại dịch, nền kinh tế của Mỹ và châu Âu đang chậm lại khi các đợt tăng lãi suất trước đây bắt đầu có tác động. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn dưới sức nặng suy thoái bất động sản. Vào ngày 8/10, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã điều chỉnh dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vào năm 2025, cho biết sẽ giảm, do hoạt động sản xuất suy yếu trên toàn thế giới. Trước đợt leo thang mới nhất ở Trung Đông, các nhà giao dịch dầu mỏ đã dự kiến ​​sẽ có tình trạng dư thừa vào năm 2025 do nhu cầu tăng trưởng yếu và nguồn cung mở rộng, đẩy giá xuống dưới 70  USD/thùng.

 

Nguồn cung dồi dào hiện nay đang tạo nên một lá chắn chống lại các cú sốc địa chính trị, nhưng không phải là lá chắn bất khả xâm phạm. Nếu Israel tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, Iran có thể tấn công các nhà sản xuất dầu đã ký kết các thỏa thuận kinh tế với Israel, chẳng hạn như Bahrain hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hoặc có thể chặn Eo biển Hormuz, nơi phần lớn dầu của vùng Vịnh đi qua. Điều đó có thể đẩy giá dầu gần đến mức cao nhất của năm 2022.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu Iran đưa ra động thái như vậy thì đó là quyết định không khôn ngoan vì sẽ tác động đến cả Mỹ, Trung Quốc và các nước đồng minh. Nhưng ở Trung Đông, những kịch bản ác mộng không bao giờ có thể bị loại trừ hoàn toàn. Vì sản lượng dầu vẫn tập trung ở một số ít quốc gia, nên nguồn cung vẫn dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ sản lượng toàn cầu tăng và nhu cầu suy yếu, thị trường được bảo vệ tốt hơn so với trước đây.

Có thể bạn quan tâm:

 Các thương hiệu quốc tế đang làm gì giữa sức mua ảm đạm tại Trung Quốc?

Nguồn The Economist