Thứ Tư | 11/04/2012 07:27

Giá dầu cao là rủi ro lớn nhất với khu vực đồng euro

Giá dầu tính bằng đồng euro cao kỷ lục có nguy cơ làm chao đảo kinh tế khu vực đồng euro nhiều hơn so với dự đoán.
Ước tính của ngân hàng Standard về ảnh hưởng của giá dầu đối với nền kinh tế của khu vực đồng euro cho thấy, với mức tăng 10% của giá dầu, tốc độ tăng trưởng hàng năm giảm khoảng 0,2% trong ba năm kế tiếp.

Tuy nhiên, những dự đoán này không tính tới yếu tố tỷ giá euro/USD, do đó có thể chưa đánh giá hết được những ảnh hưởng khi các biện pháp khắc khổ được thực hiện rộng rãi cũng như chưa phản ánh được mức độ ảnh hưởng khác nhau có thể có đối với từng nước trong khối.

Khi được tính bằng USD, giá dầu vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục 147,50 USD/thùng hồi tháng 7 năm 2008. Tuy nhiên, khi tính bằng đồng euro, giá đã vượt qua mức kỷ lục này trong tháng trước.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu tính bằng đồng euro đã tăng 17%. IMF vừa đưa ra dự báo GDP năm 2012 của khu vực đồng euro sẽ giảm 0,5%.

Ngân hàng UniCredit của Ý ước tính giá tăng 10% sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực này giảm 0,3% mỗi năm chứ không phải là 0,2% trong ba năm như dự báo của Standard.

Marco Valli, một trong những chuyên gia kinh tế đến từ Unicredit nhận định, khu vực đồng euro có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do giá cả tăng cao.

Theo tổ chức năng lượng quốc tế IEA, trong số 17 nước thuộc khu vực đồng euro, các nước công nghiệp hóa là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và sẽ phải chi trả 500 tỷ USD cho dầu mỏ trong năm nay - tăng 30 tỷ USD so với năm 2011.

Mỗi nước sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau từ giá dầu. Theo chuyên gia kinh tế của ING - Carsten Brzeski, trong khi giá dầu tăng cao là tin quan trọng đối với Đức, tin này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin tiêu dùng ở nước này mà còn làm gia tăng lo ngại cho người tiêu dùng ở các quốc gia láng giềng.

Dữ liệu từ Reuters cho thấy sự liên hệ chặt chẽ mang tính chất tiêu cực giữa giá dầu tính theo euro và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở các nước ngoại biên của khu vực đồng euro - những nước đang phải đối phó với nợ công khó kiểm soát và tỷ lệ tăng trưởng thấp trong suốt 20 năm qua. Nói một cách đơn giản hơn, tỷ lệ tăng trưởng có xu hướng giảm một vài tháng trước khi giá dầu tăng.

Ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, hệ số tương quan dao động trong khoảng -0,7 đến -0,8 với độ trễ từ bốn đến tám quý. Tỷ lệ này đã gần sát với giá trị tuyệt đối -1 của tương quan tiêu cực, đây là điểm mà tăng trưởng chắc chắn sẽ đi xuống khi giá dầu tăng.

Trong khi đó, ở Ý và Pháp hệ số tương quan thấp hơn so với mức trung bình của khu vực, ở mức -0,5. Hệ số gần như bằng không ở Đức.

Trong lý thuyết, các nước phía bắc châu Âu với khí hậu lạnh hơn có thể phải chi nhiều hơn cho năng lượng so với các nước đang gặp phải khó khăn về nợ ở miền nam, nơi cần ít nhiên liệu hơn để sưởi ấm nơi ở và nơi làm việc.

Tuy nhiên, những cố gắng trong việc tiết kiệm nhiên liệu ở phía Bắc đã bù đắp được sự tăng giá, trong khi các nước phía nam có ít biện pháp phòng vệ hơn.

Theo số liệu từ Eurostat, các hộ gia đình ở Tây Ban Nha và Ireland là những người phải chịu mức giá điện cao nhất khu vực năm ngoái, trong khi chỉ các nước khá giàu có như Thụy Điển và Đan Mạch phải chịu mức giá gas cao hơn Bồ Đào Nha.

Hy Lạp và Ý lần lượt phải chịu mức giá cao hơn 16 % và 17%, theo số liệu từ Cổng thông tin năng lượng của châu Âu.Hy Lạp có tỷ trọng nhiên liệu dạng lỏng lớn nhất và nhiên liệu động cơ là các thành tố quan trọng gây lạm phát ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Ngoại trừ các nước mới gia nhập, Bồ Đào Nha có năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng hóa dùng để tính lạm phát. Điều này cho thấy người Bồ Đào Nha chi tiêu vào năng lượng nhiều hơn các nước trong khu vực.

Điều này không đảm bảo chắc chắn rằng giá dầu sẽ gây nên sự suy thoái nghiêm trọng nhưng đây là đòn tấn công xảy ra tại thời điểm tăm tối nhất đánh vào nền kinh tế đang khốn đốn do ảnh hưởng của suy thoái, gánh nặng thắt chặt tài khóa và hạn chế giải ngân của các ngân hàng.

Nguồn http://cafef.vn


Sự kiện