Financial Post
Giá dầu 100USD/thùng tác động như thế nào tới kinh tế toàn cầu?
Giá dầu tăng đang khiến các dự báo quay trở lại mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, tạo ra cả người hưởng lợi và kẻ chịu thiệt trong nền kinh tế thế giới.
→Giá dầu trước viễn cảnh 100 USD/thùng
Các nhà xuất khẩu nhiên liệu sẽ hưởng lợi nhuận cao. Ngược lại, các quốc gia tiêu thụ sẽ chịu chi phí tăng mạnh, có khả năng làm tăng lạm phát.
Tin tốt lành là Bloomberg Economics nhận thấy rằng giá dầu ở mức 100USD/thùng sẽ ít tác động tới tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 so với đà tăng giá năm 2011. Điều này một phần là do nền kinh tế ít phụ thuộc vào năng lượng hơn và vì cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ.
Nguồn: Livechart |
Nhưng trên hết, vì sao giá dầu tăng cao hơn? Một cú sốc trong bối cảnh nguồn cung hạn chế là một điều tiêu cực, nhưng mặt khác là nhu cầu mạnh mẽ, điều phản ánh tăng trưởng vững chắc. Vì cả 2 yếu tố này, dầu thô Brent tăng khoảng 22% trong năm nay.
1. Đối với tăng trưởng toàn cầu
Giá dầu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình và chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng tác động là khác nhau ở mỗi khu vực. Châu Âu dễ bị tổn thương do nhiều nước trong khu vực là các nhà nhập khẩu dầu. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và có thể kỳ vọng lạm phát tăng.
Ngoài ra còn có các hiệu ứng theo mùa đáng cân nhắc, khi mà mùa đông sắp đến ở Bắc bán cầu. Người tiêu dùng có thể chuyển đổi nguồn năng lượng để giảm chi phí, chẳng hạn như nhiên liệu sinh học hoặc khí tự nhiên, mặc dù với tốc độ không nhanh chóng. Indonesia đã thúc đẩy các biện pháp thúc đẩy sử dụng nhiều nhiên liệu sinh học hơn và hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu.
Để ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng toàn cầu, các nhà kinh tế nói rằng dầu sẽ cần giữ trên mốc 100USD/thùng. Sự mạnh lên của đồng USD trong năm nay cũng không hỗ trợ cho điều này dù dầu thô được định giá bằng đồng bạc xanh.
2. Làm thế nào để nền kinh tế thế giới hấp thụ dầu ở mức 100 USD/thùng?
Bloomberg Economics phát hiện ra rằng giá dầu 100 USD/thùng sẽ gây hại nhiều hơn là tốt cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, điều kiện của nền kinh tế thế giới hiện nay có những khác biệt lớn so với năm 2011.
"Cuộc cách mạng dầu đá phiến, mức độ sử dụng năng lượng thấp hơn và mặt bằng giá chung đã cao hơn, có nghĩa là tác động giá dầu tăng sẽ ít hơn quá khứ", các nhà kinh tế của Bloomberg đã viết trong một báo cáo gần đây. "Giá của một thùng dầu sẽ phải tăng thêm nhiều nữa trước khi ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng toàn cầu".
3. Iran và Trump sẽ tác động như thế nào đến thị trường?
Địa chính trị vẫn là yếu tố khó lường. Mỹ đã gia hạn các biện pháp trừng phạt vào Iran, điều đang đè bẹp xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông này. Trong khi Tổng thống Donald Trump đang gây áp lực cho Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để bơm thêm dầu, năng lực sản xuất của khối này dường như đã tới hạn, và cần bổ sung thêm cơ sở vật chất để tăng sản lượng. Ngoài ra, nguồn cung từ các quốc gia như Venezuela, Libya và Nigeria đang bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ kinh tế hoặc bất ổn dân sự. Tuy nhiên, các nhà phân tích Goldman Sachs dự đoán giá dầu sẽ không vượt qua mốc 100USD/thùng.
4. Ai hưởng lợi từ việc giá dầu tăng?
→Triển vọng cổ phiếu dầu khí khi giá dầu tăng mạnh
Hầu hết các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất là các nền kinh tế mới nổi. Ả Rập Saudi dẫn đầu với sản lượng dầu ròng chiếm gần 21% tổng sản phẩm quốc nội năm 2016 - gấp hơn hai lần so với Nga, là thị trường tiếp theo trong số 15 thị trường mới nổi được xếp hạng bởi Bloomberg Economics. Những người chiến thắng khác có thể bao gồm Nigeria và Colombia. Việc tăng doanh thu sẽ giúp tăng ngân sách và cải thiện thâm hụt tài khoản vãng lai, cho phép các chính phủ tăng chi tiêu sẽ thúc đẩy đầu tư.
4. Ai chịu thiệt?
Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ukraine nằm trong số các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Việc phải chi tiền nhiều hơn cho dầu sẽ gây áp lực cho các tài khoản vãng lai và làm cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn khi lãi suất của Mỹ tăng lên. Bloomberg Economics đã xếp hạng các thị trường mới nổi lớn dựa trên tính dễ bị tổn thương để thay đổi giá dầu, việc tăng lãi suất và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Một trong những người chiến thắng lớn nhất cũng có thể thấy chính mình khi thua cuộc: Oystein Olsen, thống đốc Ngân hàng Trung ương Na Uy, cảnh báo rằng nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất Tây Âu sẽ gặp khó khăn nếu ngành công nghiệp không chú ý đến việc kiểm soát chi phí.
5. Ý nghĩa tới nền kinh tế số 1 thế giới?
Việc tăng giá dầu gây ra ít rủi ro cho Mỹ hơn so với trước đây, nhờ vào sự bùng nổ sản xuất dầu đá phiến. Các nhà kinh tế thống nhất với nhau là mức tăng 10 USD/thùng sẽ lấy đi khoảng 0,3% GDP của Mỹ trong năm sau. Nhưng giờ đây, bao gồm cả nhà kinh tế học trưởng Mark Zandi của Moody, cũng ghi nhận GPD Mỹ bị ảnh hưởng khoảng 0,1%.
Trong khi việc giảm phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ tạo ra hiệu ứng kinh tế tích cực ở cấp độ ngành, thì các hộ nghèo sẽ cảm thấy áp lực. Họ chi khoảng 8% thu nhập trước thuế vào xăng, so với khoảng 1% của nhóm người có thu nhập cao nhất.
6. Dẫn đến lạm phát cao hơn trên toàn thế giới?
Giá năng lượng thường chiếm tỷ trọng lớn trong giỏ theo dõi chỉ số giá tiêu dùng, khiến các nhà hoạch định chính sách bao gồm hay loại bỏ chúng trong dữ liệu theo dõi lạm phát. Nhưng một sự tăng giá đáng kể trong giá dầu có thể tạo ra một sự tăng trưởng bền vững hơn cho lạm phát tổng thể nếu nó làm tăng chi phí vận chuyển và tiện ích.
7. Có ý nghĩa gì với các ngân hàng trung ương?
Nếu giá dầu tăng mạnh làm tăng lạm phát, các ngân hàng trung ương có ít lý do hơn để duy trì chính sách tiền tệ bị lỏng lẻo. Trong số các nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất, Ngân hàng Trung ương ở Ấn Độ đã cảnh báo về tác động khi mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của quốc gia trở nên đắt đỏ hơn. Áp lực giá tổng thể lớn hơn cũng có thể thúc đẩy thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn trong các nền kinh tế như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Nam Phi.
Nguồn Bloomberg/Tổng hợp