Giá cước vận tải biển có thể chưa hạ nhiệt bớt cho đến trước Tết Nguyên đán 2025.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 27/06/2024 15:38

Giá cước vận tải biển tăng gấp 3 lần trong 1 năm

Mùa vận chuyển cao điểm chưa bắt đầu nhưng nhiều cảng lớn ở châu Âu đã quá tải. Tại nhiều cảng châu Á, các đội tàu xếp hàng dài chờ cập bến.

Số liệu Hàng hải từ Freightos cho biết, đến giữa tháng 6 vừa qua, giá cước vận chuyển trung bình trên toàn thế giới cho một container 40 foot đã xấp xỉ 4.120 USD, cao gấp 3 lần so với giá của tháng 6/2023 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Theo CNBC, chỉ trong vòng 1 tháng qua giá cước vận tải biển giao ngay từ châu Á đến Mỹ tăng từ 36-41%. Tổng chi phí vận chuyển container 40 foot từ châu Á sang Mỹ đã cán mốc 12.000 USD.

Mới đây, Cơ quan quản lý kênh đào Panama ra quyết định hạn chế hoạt động của tàu thuyền vì mực nước xuống thấp do hạn hán. Ông Paul Brashier, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng toàn cầu của ITS Logistics nhận định rằng, tình trạng thiếu container và công suất tàu hạn chế buộc các chủ hàng phải chuyển sang thị trường giao ngay, khiến cho giá cước bị đẩy lên mức cao chưa từng thấy.

 

Nhiều người trong ngành nhận xét: Giá cước vận tải biển có thể chưa hạ nhiệt cho đến trước Tết Nguyên đán 2025. Hãng tư vấn Sea-Intelligence dự báo giá cước giao ngay trên các tuyến vận tải biển Á-Âu có thể vượt 20.000 USD/container do tác động của cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ.

Trong tháng này, nhà bán lẻ nội thất DFS Furniture của Anh đã cắt giảm triển vọng lợi nhuận xuống một nửa, phần lớn là do chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn. DFS Furniture cho biết, gần 18 triệu USD hàng hóa của Công ty bị trì hoãn do tình trạng gián đoạn vận tải biển liên quan đến Biển Đỏ. Tại Mỹ, thu nhập của nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng vì tình trạng tắc nghẽn cảng. Chẳng hạn nhiều hãng bán lẻ phải chuyển sang sử dụng vận tải hàng không với giá cước đắt hơn rất nhiều để kịp ra mắt các bộ sưu tập mới trên toàn cầu.

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trên toàn cầu hiện tại còn làm phức tạp thêm hoạt động hậu cần cho hàng hóa bán lẻ và sản xuất. Nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu đặc biệt lo ngại việc tắc nghẽn cảng có thể trầm trọng hơn trong những tháng vận chuyển cao điểm sắp tới. Một số nhà nhập khẩu của Mỹ đặt hàng sớm trước khi mức thuế mới có hiệu lực với hàng hóa từ Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm:

Nhật quyết liệt đối phó thâm hụt kỹ thuật số

Nguồn Tổng hợp