Cổ phiếu vẫn là nền tảng đầu tư, nhưng sự mờ nhạt của thị trường có thể làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Ảnh: The Economist.

 
Lam Ngọc Thứ Ba | 23/04/2024 17:27

Giá cổ phiếu toàn cầu tăng cao, nguồn cung thu hẹp

Giá cổ phiếu toàn cầu đạt đỉnh cao, thị trường chứng khoán mờ nhạt do sự gia tăng của quỹ đầu tư tư nhân và doanh nghiệp chọn không niêm yết.

Quy luật cung cầu là một trong những nguyên tắc cơ bản của kinh tế học, trở thành một bài học quan trọng mà mỗi sinh viên kinh tế đều phải biết. Khi giá cả tăng, các nhà sản xuất sẽ đáp ứng bằng cách đưa nhiều sản phẩm hơn vào thị trường. Nhưng liệu điều gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán toàn cầu?.

Thực tế cho thấy giá cổ phiếu toàn cầu đã đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay, với mức tăng 14% trong năm qua. Trong khi đó, nguồn cung cổ phiếu lại đang thu hẹp. Theo các nhà phân tích tại JPMorgan Chase, số lượng công ty niêm yết trong năm nay ít hơn so với năm trước, và năm 2023 được đánh giá là một năm chậm chạp. Điều này có nghĩa là việc phát hành cổ phiếu trừ đi việc mua lại cổ phiếu trong năm nay đang hoạt động với mức lỗ 120 tỉ USD, đạt mức thấp nhất kể từ năm 1999. Đáng chú ý, các công ty như ByteDance, OpenAI, Stripe và SpaceX có giá trị lên đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm tỉ USD vẫn chưa niêm yết công khai.

Ông Jamie Dimon, Giám đốc JPMorgan, là một trong những người bày tỏ mối lo ngại. Ông cho rằng, nguyên nhân của xu hướng này là từ nhu cầu báo cáo về ESG, cùng áp lực từ báo cáo lợi nhuận hàng quý. Tuy nhiên, một lý do chính khác khiến thị trường chứng khoán trở nên mờ nhạt là do các doanh nghiệp đang có nhiều lựa chọn hơn.

Theo McKinsey, các quỹ đầu tư tư nhân quản lý tổng cộng 8,2 nghìn tỉ USD vào giữa năm 2023, gấp đôi so với năm 2018. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp không cần phải niêm yết công khai nếu họ không muốn, và tất nhiên việc này sẽ không khiến doanh nghiệp chịu áp lực. Hơn nữa, có rất nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng đầu tư vào các công ty tư nhân dù thế nào đi chăng nữa. 

Có rất nhiều lý do để các doanh nghiệp muốn hoạt động dưới dạng công ty tư nhân. Một trong những lý do là bởi sự gia tăng của các tài sản vô hình. Những tài sản này bao gồm bản quyền, phần mềm và các tài sản trí tuệ khác liên quan đến thương hiệu.

Nhiều ý kiến thể hiện mối lo ngại với xu hướng này. Thực tế, thị trường công khai có tính minh bạch hơn so với thị trường tư nhân. Do đó, việc giảm tầm quan trọng của thị trường tư nhân không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan quản lý theo dõi ổn định tài chính và các nhà phân tích thị trường.

Cổ phiếu vẫn là nền tảng của các danh mục đầu tư dành cho các nhà đầu tư non trẻ. Ba nhà kinh tế Alexander Ljungqvist, Lars Persson và Joacim Tag cho rằng sự mờ nhạt của thị trường có thể làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của các chính phủ, do cử tri sẽ ít được hưởng lợi từ lợi nhuận của doanh nghiệp.

Vậy có thể làm gì để thị trường chứng khoán phục hồi? Thay đổi hành vi của các nhà đầu tư tổ chức có thể góp phần giảm bớt một số hậu quả tiêu cực của xu hướng. Trong những năm gần đây, phân bổ của các nhà đầu tư tổ chức vào đầu tư tư nhân đã tăng lên, chiếm 10% tổng tài sản vào năm 2023 so với mức 6% vào năm 2022, trong khi tỉ trọng đầu tư vào cổ phiếu đã giảm ở mức tương tự. Điều này cho phép các hộ gia đình có khả năng tiếp cận đầu tư tư nhân thông qua quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ.

Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư tổ chức cải thiện tính minh bạch trên thị trường tư nhân không phải là điều dễ dàng. Một lựa chọn mà các nhà quản lý có thể xem xét là áp dụng các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các công ty lớn không niêm yết để thu hẹp khoảng cách giữa các quy tắc mà các công ty niêm yết và tư nhân phải tuân thủ. Một lựa chọn khác là giảm lượng thông tin mà các công ty phải chia sẻ khi niêm yết công khai.

Dẫu vậy, thị trường công khai vẫn là hướng đi cho những công ty muốn nhanh chóng chuyển đổi cổ phần thành tiền mặt. Công ty tư vấn Bain lưu ý rằng các quỹ vốn tư nhân hiện đang nắm giữ tài sản chưa được bán trị giá 3,2 nghìn tỉ USD. Tại một số thời điểm, các nhà đầu tư sẽ muốn thu hồi. Đến lúc đó, việc thị trường công khai thu hẹp là một điều đáng lo ngại.

Có thể bạn quan tâm:

Thị trường tiêu dùng Ấn Độ bùng nổ và sẽ "soán ngôi" Trung Quốc?

Nguồn The Economist