Thứ Hai | 25/06/2012 13:41

George Soros: Sự cứng rắn của Đức có thể là đòn chí tử với châu Âu

Vị tỷ phú đầu tư cho rằng Đức sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả có thể nếu cản bước tiến tới liên minh tài chính, chính trị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tới nay luôn khước từ tất cả những đề nghị giúp Tây Ban Nha và Italia tránh được lãi suất vay nhảy vọt , đồng thời chống lại việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiến tới mua nợ của các nước gặp khó khăn.

Theo tỷ phú Soros, điều này có thể khiến hội nghị bắt đầu ngày 28/6 "thất bại hoàn toàn", và có thể là đòn chí tử cho châu Âu do eurozone không có quỹ cứu trợ đủ mạnh để bảo vệ trước những hậu quả của Hy Lạp rời khu vực.

Ông thêm rằng, ngay cả khi tránh khỏi hậu quả này, sự chia rẽ giữa các nước chủ nợ và con nợ càng rõ ràng, và các nước gặp khó khăn sẽ không thể có lại được tính cạnh tranh do bị tẩy chay.

Pháp và Italia đang thúc giục Đức thực hiện các hành động dứt khoát để kết thúc khủng hoảng nợ kéo dài 2,5 năm, cũng như việc lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha nhảy vọt lên hơn 7% tuần trước. Trong khi đó bà Merkel phản đối việc phát hành trái phiếu châu Âu do ECB bảo đảm quá sớm, cho rằng không thể tiến tới khoản nợ như vậy cho tới khi nào có một liên minh tài chính toàn diện cho cả khu vực.

Ông Soros cho rằng điều này là "không thực tế và không hợp lý", thêm rằng, một liên minh ngân hàng, tài chính và chính trị cần phải "cùng nhau phát triển từng bước một".

Theo ông, bước đầu tiên là Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) ngay lập tức kiểm soát các khoản trái phiếu Hy Lạp ECB nắm giữ, và ECB bắt đầu mua trái phiếu Italia và Tây Ban Nha để làm dịu thị trường tài chính và mở đường cho liên minh tài chính ngân hàng.

Ông cũng cho rằng một giải pháp dài hạn cần được tìm ra để giải quyết khủng hoảng, và ông đề xuất thành lập một Cơ quan tài chính châu Âu (EFA) để mua nợ của Tây Ban Nha và Italia đổi lấy cải cách cấu trúc.

Theo kế hoạch của Soros, quỹ này mua trái phiếu các nước bằng trái phiếu kho bạc châu Âu không rủi ro với các nhà đầu tư do ECB và tất cả thành viên eurozone bảo lãnh. Ông cho rằng, trái phiếu này có nguồn cầu lớn, đặc biệt từ các ngân hàng cần các tài sản lỏng không rủi ro.

Ông cho biết thêm các ngân hàng hiện nắm giữ hơn 700 tỷ euro, tương đương 878 tỷ USD thặng dư tài sản thanh khoản tại ECB, vốn chỉ có lãi suất từ 0,25-1%, điều này đảm bảo nhu cầu cho trái phiếu châu Âu có lãi suất dưới 1%.

Theo Soros, EFA cũng có quyền phạt các nước tham gia không đáp ứng được cam kết của mình, đồng thời sau đó các nước phải cam kết các chương trình giảm nợ mà không gây nguy hại tới tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ mở đường tiến tới liên minh ngân hàng, tài chính và chính trị, và Đức không nên cản đường tiến tới giải pháp như vậy.

Nguồn CNBC/ DVT


Sự kiện