Thứ Ba | 23/04/2013 21:30

George Soros lại sắp khuynh đảo thị trường bằng bán khống bảng Anh?

Sau yên, bảng Anh có thể sẽ trở thành tài sản đầu cơ tiếp theo mang lại tỷ USD cho nhà đầu tư George Soros.
Kể từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, George Soros đã thu về hơn 1 tỷ nhờ đặt cược đồng yên suy yếu. Hiện tại Soros tiếp tục “để mắt” đến đồng tiền bán khống nhiều thứ hai thế giới là bảng Anh. Cùng với quỹ đầu tư của Soros, các quỹ toàn cầu khác như Tudor, Caxton Associates và Moore Capital. Các quỹ này đều cho rằng tình thế hiện nay của Anh cũng giống như Nhật Bản và đây là thời cơ để bán khống bảng Anh.

Kinh tế Anh ngày càng đi xuống với xuất khẩu, năng suất lao động, GDP đồng loạt giảm. Một trong những nhà đầu cơ hàng đầu của thế giới nhận định với Financial Times: “Năm nay, bảng Anh có thể sẽ giảm mạnh”. Thực tế, kể từ đầu năm, bảng Anh giảm 3,7% và là đồng tiền giảm mạnh nhất sau yên trong số 10 đồng tiền của thị trường phát triển. Trong khi đó, USD tăng 3,3%, euro tăng 2%.

Kể từ đầu năm, bảng Anh có xu hướng giảm mạnh.
Kể từ đầu năm, bảng Anh có xu hướng giảm mạnh.

Vì lợi ích của nước Anh, người ta chỉ có thể hy vọng kịch bản “Thứ Tư đen tối” (ngày 16/9/1992) sẽ không lặp lại khi George Soros “đánh sập” Ngân hàng trung ương Anh (BOE).

Vào ngày 16/9/1992, George Soros đột nhiên trở nên nổi tiếng khi bán khống lượng bảng Anh có giá trị tương đương trên 10 tỷ USD, và kiếm lợi từ việc BOE do dự lựa chọn hoặc nâng lãi suất nội tệ lên ngang bằng với lãi suất tại các nền kinh tế khác trong Tổ chức sử dụng chung cơ chế tỷ giá châu Âu, hoặc thả nổi đồng nội tệ.

Cuối cùng, BOE buộc phải rút đồng bảng Anh ra khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và phá giá đồng bảng. George Soros kiếm được khoảng 1,1 tỷ USD trong phi vụ này và được biết đến với biệt danh "kẻ phá hoại Ngân hàng trung ương Anh". Những người thân cận của George Soros có lần tiết lộ, khi thấy những điểm yếu của đồng bảng trong thời điểm đó, George Soros đã hối thúc những người dưới quyền tận dụng lợi thế của mình chuẩn bị cho cuộc "tấn công" vào đồng tiền này.

Tại sao đây là thời điểm tốt để bán khống bảng Anh?

Giới đầu tư dự đoán, lạm phát của Anh sẽ cao hơn 3,2% trong 10 năm tới và là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số các nền kinh tế lớn. Những dự đoán này càng có cơ sở hơn khi ông Mark Carney sắp được bổ nhiệm làm thống đốc BOE thay Mervyn King. Ông này chủ trương cho phép lạm phát của Anh cao hơn so với dưới thời người tiền nhiệm. Ủy ban chính sách tiền tệ của BOE trong báo cáo hồi tháng 2 cũng ủng hộ mục tiêu lạm phát cao hơn.

Thống đốc ngân hàng tương lai của Anh.
Thống đốc ngân hàng tương lai của Anh Mark Carney.
"Nỗ lực đưa lạm phát về mục tiêu sớm hơn bằng việc ngừng kích thích tiền tệ nhanh hơn dự báo của thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế và mục tiêu lạm phát trung hạn”, Ủy ban này cảnh báo.

Tuy nhiên, giới đầu tư lo ngại, Carney sẽ kích thích kinh tế ồ ạt, khiến lạm phát tăng, bảng Anh mất giá hơn nữa.

"Các quỹ phòng hộ đang theo sát tình hình để xem có thể phản ứng thế nào với bảng Anh. Với việc ông Carney sắp được bổ nhiệm, có nhiều cơ hội hấp dẫn để bán khống bảng Anh hay đầu cơ thu lời từ biến động của đồng tiền này”, Rob Kaplan, giám đốc đầu tư tại Permal và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào quỹ phòng hộ, cho Financial Times hay.

Nguồn Money Morning/Dân Việt


Sự kiện