Thứ Bảy | 14/04/2012 08:35

George Soros đề xuất giải pháp cứu châu Âu

Tỷ phú đầu tư George Soros vừa có những gợi ý đối với nền kinh tế châu Âu nhằm cứu châu lục này khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.
Ông Soros phân tích, chẳng những không dịu đi, cuộc khủng hoảng đồng euro gần đây đang xấu trở lại. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tạm thời dập tắt được nguy cơ đổ vỡ tín dụng thông qua hoạt động tài trợ dài hạn của mình. Sự hồi phục sau đó của các thị trường tài chính đã che đậy một hiểm họa nằm bên dưới. Nhưng, không lâu nữa, nó sẽ lộ diện.

Những vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết, khoảng cách giữa các nước chủ nợ và con nợ tiếp tục rộng ra. Cuộc khủng hoảng đã bước vào giai đoạn ít biến động hơn nhưng lại nguy hiểm hơn.

Ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, nguy cơ tan rã khu vực đồng euro đã không được tính đến: các tài sản và công nợ được ghi bằng đồng tiền chung đã được hòa lẫn đến mức nó có thể gây ra một sự đổ vỡ dây chuyền. Nhưng, khi mà cuộc khủng hoảng còn đang diễn tiến, khu vực đồng euro lại bị chia rẽ bởi quan điểm bất đồng giữa các quốc gia.

Hoạt động tài trợ dài hạn của ECB đã tạo điều kiện cho các ngân hàng của Tây Ban Nha và Italia kiếm được các khoản chênh lệch giá béo bở và ít rủi ro từ trái phiếu của các quốc gia này. Và chế độ đối xử ưu đãi mà ECB dành cho các trái phiếu của Hy Lạp sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư khác nắm giữ nợ công. Nếu điều này tiếp diễn vài năm nữa, sự tan rã của Khu vực đồng euro sẽ có thể xảy ra mà không cần đến sự đổ vỡ dây chuyền của các thị trường – nhưng sẽ tạo ra tình trạng các ngân hàng trung ương của các nước chủ nợ nắm giữ lượng lớn các khoản nợ khó đòi từ ngân hàng trung ương của các nước con nợ.

Bundesbank - Ngân hàng Trung ương Đức đã nhìn thấy mối nguy trên. Ngân hàng này hiện đang thực hiện chiến dịch chống lại việc mở rộng vô độ lượng cung tiền ở khu vực và bắt đầu các giải pháp giới hạn các thiệt hại có thể xảy ra nếu có sự đổ vỡ. Điều này đang tạo nên suy diễn: một khi Bundesbank bắt đầu tự vệ trước một sự đổ vỡ, mọi người sẽ làm tương tự.

Ngân hàng Trung ương Đức cũng đang thắt chặt tín dụng trong nước. Đây sẽ là chính sách đúng đắn nếu Đức là một quốc gia độc lập, nhưng các thành viên mắc nợ lớn của khu vực đồng euro đang cần sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn từ Đức để có thể tránh được suy thoái. Nếu không có sự giúp đỡ của Đức, hiệp ước tài chính của khu vực, được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái, không thể phát huy tác dụng. Các nước nợ nhiều sẽ thất bại trong việc tiến hành các giải pháp cần thiết, hoặc (nếu làm) sẽ thất bại trong việc đạt được các mục tiêu do sự suy giảm của tổng cầu. Cùng với đó, tỷ lệ nợ sẽ tăng lên và sự thua thiệt về cạnh tranh với Đức sẽ lớn hơn.

Dù đồng euro có tồn tại được lâu nữa hay không, châu Âu cũng sẽ đối mặt với một thời kỳ dài kinh tế đình đốn hoặc tồi tệ hơn. Các nước khác đã trải qua tình cảnh tương tự. Các nước Mỹ La tinh đã chịu đựng một thập kỷ mất mát từ sau năm 1982 và Nhật Bản thì đình đốn đến ¼ thế kỷ; cả hai đều đã vượt qua được khó khăn đó. Nhưng Liên minh châu Âu không phải là một nước và nó rất khó vượt qua được vận hạn này. Bẫy giảm phát – tăng nợ đang đe dọa phá hủy một liên minh chính trị còn thiếu hoàn chỉnh.

Cách duy nhất để thoát khỏi cái bẫy đó là thừa nhận rằng, các chính sách hiện hành đang có tác dụng ngược, phải đổi hướng. “Tôi không thể đưa ra một kế hoạch, chỉ có vài gợi ý”, Soros nói.

Thứ nhất, các luật lệ đang điều chỉnh khu vực đồng euro đã thất bại và cần xem lại một cách triệt để. Việc giữ các quy định như hiện hành sẽ chỉ làm vấn đề tồi tệ thêm. Thứ hai, tình huống hiện giờ là rất không bình thường, và các giải pháp đặc biệt là cần thiết để lấy lại trạng thái bình thường. Cuối cùng, các quy định mới phải tính đến thuộc tính bất ổn cố hữu của các thị trường tài chính.

Thực tế, thỏa ước tài chính phải là điểm khởi đầu, mặc dù một vài nhược điểm rất rõ ràng cần được sửa đổi. Thỏa ước nên tính đến các khoản nợ thương mại cũng như nợ tài chính và ngân sách nên phân biệt giữa chi cho đầu tư và tiêu dùng thường xuyên. Để tránh gian lận, những điều kiện đầu tư nên được thông qua bởi một cơ quan chuyên trách của châu Âu. Ngân hàng đầu tư châu Âu nên được bổ sung vốn để sau đó có thể đồng tài trợ cho các hoạt động đầu tư này.

Quan trọng nhất, một số giải pháp mới và đặc biệt là cần thiết để đưa các điều kiện trở lại bình thường. Luật pháp của EC buộc các quốc gia thành viên phải giảm nợ công hàng năm 5% tổng nợ (hiện đã vượt quá 60% GDP). Tôi cho rằng, các quốc gia thành viên phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc bổn phận đó. Qua đó, hiệp ước tài chính sẽ không còn tác dụng phụ là tạo ra bẫy giảm phát – tăng nợ.

Ngoài ra, để thu hẹp chênh lệch về tính cạnh tranh, tất cả các thành viên nên tái tài trợ cho các khoản nợ đang tồn tại với cùng một mức lãi suất. Nhưng việc đó đòi hỏi phải có sự liên thông về tài chính tốt hơn, chỉ có thể được thực hiện từng bước.

Nguồn ĐTCK


Sự kiện