GDP Nhật Bản giảm 0,4%: Abenomics có còn tác dụng?
Theo văn phòng nội các Nhật Bản cho biết, tiêu thụ nội địa tương đối yếu, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng chậm là hai áp lực lớn lên nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này. Tiêu dùng nội địa, vốn chiếm khoảng 60% GDP của Nhật Bản, đã giảm 0,8% so với quý I, trong khi xuất khẩu giảm 4,4%.
Mặc dù vậy, chỉ số chứng khoán Nikkei lại tăng 0,6%, do giới đầu tư kỳ vọng chính phủ sẽ tăng cường thêm các biện pháp kích cầu.
“GDP quý II sụt giảm mạnh sau khi đã tăng trưởng trong quý I có một phần nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường Mỹ, Trung Quốc và những nước khác khác sụt giảm”, công ty chứng khoán SMBC Nikko bình luận. Ngoài ra, Nikko còn dẫn nguyên nhân là Nhật Bản đang có mức tăng trưởng về tiền lương khá chậm cùng với những yếu tố thời tiết bất lợi, làm giảm mức tiêu dùng của các hộ gia đình.
Ông Kengo Matsubara - giám đốc tài chính công ty thương mại Mitsui & Co cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đi xuống đã làm giảm giá một loạt các loại hàng hóa. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty".
Trong quý I/2015, nền kinh tế của Nhật Bản đã đạt mức tăng trưởng khá cao 1,1%, cao hơn mức ước tính ban đầu là 0,6%. Đó là một dấu hiệu tích cực cho thủ tường Shinzo Abe và các chính sách phát triển kinh tế mang tên "Abenomics" của ông, với mục tiêu tái khởi động tăng trưởng kinh tế và khắc phục tình trạng giảm phát. Theo đó chương trình này có các biện pháp là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng khác.
Tuy nhiên các chính sách của ông Abe dường như chưa đủ lực để cải thiện tình hình kinh tế trong quý II. Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã hạ mức dự đoán tăng trưởng trong năm nay từ 2% xuống còn 1,7%, cũng như hạ dự đoán lạm phát từ 0,8% xuống 0,7%.
Theo một cuộc khảo sát 40 nhà kinh tế học vừa được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, GDP của Nhật đang được dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 0,625% trong quý III/2015.
Đinh Hạnh
Nguồn WSJ, The Guardian