Việc đóng cửa các cảng đang góp phần vào các vấn đề chuỗi cung ứng hiện nay. Ảnh: Getty Images.
GDP giảm liền hai quý, tại sao Mỹ vẫn chưa công bố suy thoái?
Sau khi công bố GDP quý II, về cơ bản nền kinh tế nước Mỹ đã đủ tiêu chuẩn để được xem là suy thoái. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn còn đang tranh cãi trong vài tháng tới liệu có cuộc suy thoái nào chính thức được công bố hay không.
Theo CNBC, “trọng tài” quyết định kinh tế Mỹ có chính thức suy thoái hay không là Uỷ ban Xác định chu kỳ kinh doanh (Business Cycle Dating Committee) thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBRE), mà uỷ ban này không áp dụng định nghĩa suy thoái thông thường là ít nhất hai quý suy giảm GDP liên tiếp.
Thay vào đó, NBRE định nghĩa suy thoái là “một đợt suy giảm mạnh mẽ các hoạt động kinh tế trong khắp nền kinh tế và kéo dài ít nhất vài tháng”. Điều đó có thể đồng nghĩa với mấy quý suy giảm liên tiếp. Trên thực tế, từ năm 1948 đến nay, mỗi lần GDP Mỹ suy giảm ít nhất 2 quý liên tiếp, NBER cuối cùng đều công bố suy thoái.
Dữ liệu ngày 28/7 từ Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP của nước này giảm 0,9% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,6% trong quý II. Nhưng NBER thậm chí không sử dụng GDP như một yếu tố chính trong đánh giá xem nền kinh tế hay chưa, và tổ chức này vào năm 2001 đã công bố kinh tế Mỹ suy thoái dù không hề có những quý suy giảm sản lượng liên tiếp.
Lần này, có thể NBER sẽ một lần nữa gây bất ngờ, nhưng theo chiều hướng tích cực. Lý do ở đây là vào thời điểm hiện tại, hầu như không có một chuyên gia kinh tế lớn nào ở Phố Wall dự báo NBER sẽ công bố kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong nửa đầu của năm 2022. “Nền kinh tế không hề suy thoái trong nửa đầu năm, nhưng khả năng có suy thoái vào cuối năm đang tăng lên”, chuyên gia kinh tế Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định.
Cũng giống như các đồng nghiệp ở Phố Wall, ông Zandi nói rằng thị trường việc làm sôi động là lý do chính khiến NBER sẽ không công bố suy thoái. Từ đầu năm đến nay, thị trường lao động khu vực phi nông nghiệp của Mỹ bình quân có thêm 457.000 công việc mới mỗi tháng, nhưng vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
Phát biểu hôm 27/7, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell nói ông không cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái, thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác của dữ liệu GDP.
“Những gì chúng ta đang có hiện nay không có vẻ gì là một cuộc suy thoái”, ông Powell nói. “Và lý do thực sự ở đây là thị trường lao động đang gửi đi một tín hiệu về sức mạnh kinh tế, đến mức mà bạn sẽ phải đặt câu hỏi về dữ liệu GDP”.
NBER không phải là một cái tên ai ai cũng biết tới, ngay cả ở Mỹ. Tuy nhiên, các đánh giá của tổ chức nghiên cứu tư nhân này được các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ sử dụng làm căn cứ quan trọng nhất để xác định tình trạng của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm:
Sức bền bỉ của các công ty công nghệ trong thời buổi kinh tế "nguội lạnh"
Nguồn CNBC