GDP eurozone giảm 0,2% trong quý II
Cũng trong cùng ngày, theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức, GDP quý II của nước này tăng 0,3% so với quý trước, vượt dự báo 0,2% của các chuyên gia, và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Đức kể từ quý IV/2009. Trong khi đó, quý II/2012 là quý thứ 3 liên tiếp kinh tế Pháp không tăng trưởng.
Ở Tây Ban Nha, trong quý II, GDP giảm 0,4% so với quý I sau khi giảm 0,3%, trong khi kinh tế Italia giảm 0,7%. Kinh tế Bồ Đào Nha giảm 1,2% và Cộng hòa Síp cũng không thoát khỏi suy thoái.
Niềm tin kinh tế eurozone giảm xuống thấp nhất gần 3 năm trong tháng 7, trong khi một số công ty lớn nhất khu vực bao gồm cả Deutsche Bank thông báo giảm nhân sự.
Christoph Weil, nhà kinh tế tại Commerzbank AG nhận định yếu kém xảy ra khắp khu vực trong quý II, khi nhu cầu yếu đi trên toàn cầu hạn chế xuất khẩu, và bất ổn ảnh hưởng tới tình trạng đầu tư và tuyển dụng. Ông cho rằng kinh tế tiếp tục suy yếu, eurozone đang trong suy thoái và dự báo kinh tế chỉ có thể ổn định sớm nhất tới năm 2013.
Các lãnh đạo EU gặp khó trong việc tìm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 năm, đang đe dọa Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Cuối tháng 6, họ đã đạt thỏa thuận về việc dùng quỹ cứu trợ cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng, cũng như can thiệp vào thị trường trái phiếu giúp các nước thành viên gặp khó khăn.
Các nhà quản lý cũng cam kết tạo một cơ quan giám sát ngân hàng chung cho các ngân hàng eurozone, bước đầu tiên tiến tới liên minh ngân hàng châu Âu. Thêm nữa, đầu tháng 8, chủ tịch ECB cũng cam kết can thiệp thị trường trái phiếu nếu các nước gặp khó khăn yêu cầu cứu trợ chính thức. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực này, các nhà đầu tư vẫn yêu cầu lợi suất xấp xỉ 7% để nắm giữ trái phiếu Tây Ban Nha.