Thứ Năm | 04/06/2015 11:00

Gạo và sự sụp đổ của chính phủ Yingluck - Kỳ 2

Cựu Thủ tướng Thái Lan có khả năng phải đối mặt với một án tù vì lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo.

Ngày 9/12/2013, các đại biểu của đảng Dân chủ (đảng đối lập) ở Hạ viện đã rời bỏ vị trí của mình. Điều này đã thúc đẩy bà Yingluck giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử vào tháng 2/2014. Đảng đối lập rời bỏ Hạ viện không phải bởi chương trình trợ giá gạo, mà là một số vấn đề chính trị nhạy cảm khác, bao gồm cả một dự luật ân xá mà nó sẽ miễn cho anh trai bà, Thaksin tội tham nhũng và cho phép ông trở về Thái Lan.

Dự luật này đã được Hạ viện thông qua vào ngày 1/11/2013, châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô nhỏ ở Bangkok. Thượng viện sau đó đã nhất trí bác bỏ dự luật này vào ngày 11/11. Bất chấp việc dự luật ân xá không được thông qua, nó đã khơi mào cho một phong trào chống chính phủ nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Thật trùng hợp, một sự kiện bất ổn chính trị khác cũng đã diễn ra. Ngày 20/11/2013, Tòa án Hiến pháp đã đưa ra phán quyết rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 2007 – trước đó được thông qua như một bản dự thảo và đang chờ Nhà vua ký – đã không tuân theo các thủ tục theo quy trình và nội dung của nó dù sao đi nữa cũng trái với hiến pháp.

Phần gây khó chịu nhất của sửa đổi này cho phép những người thân thích của các đại biểu trở thành thượng nghị sỹ, làm gia tăng tình trạng gia đình trị trong giới tinh hoa chính trị. Đảng Pheu Thai đã bác bỏ quyết định này của tòa án và khẳng định tính hợp pháp của việc sửa đổi, khiến cho có thêm nhiều người phản kháng đổ xuống đường phố Bangkok để phản đối vào cuối tháng 11. Cuối cùng, bà Yingluck đã rút lại bản dự thảo này vào ngày 8/12 trước khi Nhà vua ký thành luật, nhưng điều này cũng đã không xoa dịu được đảng đối lập và người phản kháng.

Ngày 9/12, khi Hạ viện không còn tồn tại, thẩm quyền của Bộ Tài chính trong việc cho phép chi trả cho kế hoạch trợ giá gạo đã bị dừng hoàn toàn. Ngày 31/1/2014, chính phủ đã không thể trả cho nông dân số tiền nợ họ từ vụ mùa năm 2013.

Trong khi tất cả các sự kiện này diễn ra, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) đã điều tra kế hoạch này dựa trên lý lẽ rằng nó đã gây ra tình trạng tham nhũng ở nhiều cấp độ và bà Yingluck biết rõ về các hành động phi pháp này. Ngày 18/2, NACC đã đưa ra tuyên bố buộc tội bà sơ suất và lơ là trách nhiệm liên quan đến chương trình trợ giá gạo. Điều này không làm cho bà bị cách chức, nhưng nó càng châm ngòi cho các vụ kiện để buộc tội nữ thủ tướng.

Nếu các sự kiện này là không đủ, một “cuộc đảo chính tư pháp” diễn ra vào ngày 7/5/2014 đã loại bà Yingluck khỏi chức vụ của mình. Cuộc “đảo chính” này liên quan đến việc loại bỏ Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thawil Pliensri không lâu sau thắng lợi bầu cử của bà hồi năm 2011, thay thế ông này bằng anh trai vợ cũ của Thaksin. Tòa án Hiến pháp đã khẳng định rằng động thái này là một sự lạm dụng quyền lực, bởi vì Pliensri không lơ là trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính phủ đã trông đợi phán quyết này và Bộ trưởng Thương mại đã trở thành Thủ tướng tạm quyền vào cùng ngày hôm đó.

Rõ ràng, có nhiều điều đã dẫn đến các cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn chính trị ở Thái Lan. Tóm lại, đó là dự luật ân xá cho Thaksin - anh trai của Yingluck Shinawatra, việc bác bỏ tuyên bố của Tòa án Hiến pháp rằng một sự sửa đổi hiến pháp thúc đẩy tình trạng gia đình trị là vi hiến, việc thay thế Pliensri bằng anh trai vợ cũ của Thaksin, và sự lơ là trách nhiệm của bà Yingluck đối với những người nông dân bị nợ tiền trong kế hoạch trợ giá gạo.

Đảo chính

Tất cả đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc đảo chính quân sự diễn ra ngày 22/5/2014, sự kiện đã xóa bỏ chính phủ và đưa Tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền. Ngoại trừ kế hoạch trợ giá gạo, tất cả các vấn đề mà bà Yingluck gặp phải gần như đã được dự đoán, vì chúng được thúc đẩy bởi người dân hoặc được toan tính một cách thận trọng bởi một bộ máy tư pháp nói chung được cho là chống lại bà. Tuy nhiên, sự thất bại của kế hoạch trợ giá gạo, và việc không chi trả cho người nông dân, đã kích động phong trào này, khi hầu hết những người phản kháng là các cử tri ban đầu đã bầu cho Yingluck.

Mặc dù có nhiều sự kiện đã dẫn đến cuộc đảo chính, kế hoạch trợ giá gạo vẫn là điều gây đe dọa nhất đến khát vọng chính trị và sự tự do trong tương lai của bà. Ngày 23/1/2015, Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA), phần lớn được hậu thuẫn bởi chính quyền quân sự cầm quyền, đã buộc tội bà Yingluck với số phiếu 190:18. Phán quyết này cấm bà tham gia các hoạt động chính trị của Thái Lan trong vòng 5 năm tới.

Thậm chí còn nghiêm trọng hơn, bà Yingluck phải đối mặt với một phiên tòa hình sự vào ngày 19/5 vì những thất bại của kế hoạch trợ giá gạo. Nếu bị kết tội, bà sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam. Tòa án này bao gồm 9 thành viên mà tất cả họ đã đưa ra các phán quyết chống lại Thaksin Shinawatra (người anh trai sống lưu vong của Yingluck) trước đó, bào chữa trước các tuyên bố của những người ủng hộ Yingluck rằng tòa án đã thiên vị.

Kết quả dành cho bà Yingluck dường như là rất ảm đạm và hầu hết các nhà phân tích dự đoán rằng bà sẽ bị kết tội. Nếu bà phải chịu mức án tối đa là 10 năm, đó sẽ là một sự biến động về chính trị. Nó có thể tập hợp những người ủng hộ gia đình Shinawatra và kích động tình trạng bạo lực trong khi bà ngồi tù. Hơn nữa, nó có thể làm gia tăng tình trạng căng thẳng với Mỹ, một đồng minh chính, nước trước đó đã tuyên bố rằng việc buộc tội Yingluck có động cơ chính trị.

Phiên tòa này có một ranh giới rất mong manh. Nếu bản án quá nghiêm khắc, những người ủng hộ Shinawatra ở vùng nông thôn phía Bắc và Đông Bắc có thể phản kháng và khẳng định rằng quân đội đang đi quá giới hạn. Bất kỳ sự bất ổn nào cũng không chỉ đe dọa người dân Thái Lan mà còn có thể làm tổn hại đến công việc mà quân đội đã tiến hành nhằm lấy lại lòng tin của cộng đồng quốc tế rằng Thái Lan là một nơi an toàn và ổn định, thích hợp cho khách du lịch và đầu tư nước ngoài. Nếu bản án này quá nhẹ, bà Yingluck có thể kích động những người ủng hộ Thaksin/Yingluck đòi tổ chức cuộc tổng tuyển cử được dự đoán sẽ diễn ra vào năm 2016.

Đối với các nhà lãnh đạo tương lai của Thái Lan và các nước khác, những bài học từ thất bại trong chương trình trợ giá gạo của Thái Lan hẳn rất rõ ràng: hãy tránh xa bất kỳ chính sách nào giống như thao túng thị trường. Mặc dù tương lai của Yingluck Shinawatra vẫn còn rất mờ mịt, có một điều có thể được kết luận từ tình tiết này: người ta không thể vừa có gạo lại vừa có lợi nhuận.

 

Nguồn Tin tức