Chủ Nhật | 13/01/2013 10:09

Gánh nợ trái phiếu địa phương của Trung Quốc

Một trong những hệ quả mà khủng hoảng kinh tế 2008 để lại cho Trung Quốc là những khoản "nợ xấu" giữa chính quyền địa phương và ngân hàng.
Áp lực vay vốn

Nhìn lại 2009, để giúp guồng máy kinh tế Trung Quốc nhanh chóng quay trở lại nhịp độ phát triển “nóng” của mình, bên cạnh việc cung một lượng tiền khổng lồ để giải cứu các doanh nghiệp, Bắc Kinh cũng đồng thời nới lỏng quản lý và khuyến khích các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, và cả những dự án đầu tư bất động sản.

Thông qua đó, nền kinh tế Trung Quốc mong muốn giải quyết được vấn đề đầu ra cho các doanh nghiệp, nhanh chóng “tiêu hóa” được hàng hóa dư thừa, đồng thời kích thích tiêu dùng và giải cứu các doanh nghiệp này khỏi lo ngại phá sản hàng loạt. Chính sách này đã phần nào thành công vào cuối năm 2009, khi nền kinh tế châu Âu đang chật vật với tỷ lệ thất nghiệp trên 10%, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng 8%.

Tuy nhiên, quả bóng nợ ngân hàng tại Trung Quốc dần căng lên cũng là một hệ lụy tất yếu. Theo ông Ting Lu – chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ), gần 90% cơ sở hạ tầng đô thị tại Trung Quốc được tiến hành xây dựng bởi các công ty, được lập nên dưới sự bảo trợ của chính quyền địa phương, chứ không phải tiền vốn “rót về” từ chính quyền trung ương.

Trung Quốc đã nới lỏng quản lý và khuyến khích các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc đã nới lỏng quản lý và khuyến khích các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Vậy để xây dựng được những công trình đó, các công ty này buộc phải “vay mượn” tiền mặt từ ngân hàng. Tuy nhiên, thực trạng ảm đạm của thị trường bất động sản, sự chậm chạp trong việc sinh lợi nhuận - thu hồi vốn của các dự án cơ sở hạ tầng, cũng như sức ép phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đã đặt các chính quyền địa phương Trung Quốc vào thế khó.

Tháng 11/2011, bộ tài chính Trung Quốc chính thức cho phép 2 tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông, cùng 2 thành phố lớn là Thượng Hải và Thâm Quyến tự do phát hành trái phiếu địa phương kỳ hạn từ 3 đến 5 năm.

Việc cấp phép thử nghiệm phát hành trái phiếu địa phương vào tháng 11/2011 đã mở ra một “kênh” mới để các chính quyền địa phương tăng tính thanh khoản cũng như minh bạch chính sách đầu tư, đồng thời huy động tiền mặt đổ vào các dự án xây dựng. Các chính quyền địa phương có thể sử dụng “công cụ” trái phiếu để huy động một lượng vốn đầu tư “nhàn rỗi” cả trong và ngoài nước. Qua đó, những địa phương có thể chi trả cho những khoản “nợ xấu” đã vay mượn từ ngân hàng đang gần đến kỳ đáo hạn, đồng thời tiếp tục rót vốn đầu tư cho các dự án mới.

Nợ vẫn hoàn nợ

Ngay từ khi “phép thử” trái phiếu địa phương này được ban hành vào cuối năm 2011, những chuyên gia kinh tế, cả trong và ngoài Trung Quốc, đều đã lên tiếng cảnh báo về những “mặt trái” mà kế hoạch này vấp phải. Liệu các khoản “nợ địa phương” này đủ sức chi trả cho các khoản nợ ngân hàng? Những rủi ro về vỡ nợ đã được lường trước và suy tính cách xử lý hay chưa? Liệu chính quyền địa phương có đủ uy tín để bảo lãnh cho những khoản nợ mới này? Ai sẽ quản lý, điều chỉnh thị trường nợ của các địa phương?

Ngoài ra, nỗi lo sợ chính quyền địa phương sẽ tự chuốc lấy những quả bom nổ chậm, những khoản nợ khổng lồ vượt quá khả năng chi trả, chính là một trong nhiều lý do chính dẫn đến đạo luật cấm phát hành trái phiếu địa phương vào năm 1994. Và nỗi sợ ấy chưa bao giờ biến mất. Dùng nợ vay mượn mới để chi trả các khoản nợ cũ, một cách thiếu kiểm soát, sẽ làm gia tăng rủi ro vỡ bong bóng nợ xấu đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác, nợ thì vẫn hoàn nợ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc
Ngân hàng trung ương Trung Quốc

Tháng 6/2012 vừa qua, bộ tài chính Trung Quốc đã buộc phải ra quyết định thu hồi giấy phép về việc các địa phương được trực tiếp phát hành trái phiếu. Thay vào đó, tất cả các chính quyền địa phương muốn sử dụng công cụ trái phiếu sẽ phải đăng ký về Ngân hàng Trung ương, và để cho chủ thể này phát hành trên danh nghĩa của mình.

Động thái này cho thấy rõ mối quan ngại của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Một chính quyền địa phương thiếu kiểm soát chặc chẽ về tài chính, tâm lý chủ quan trong việc phát hành trái phiếu sẽ dẫn đến sự lạm chi trong ngân sách nhằm đạt được một số mục đích chính trị lẫn kinh tế của riêng mỗi vùng

Ngược lại với mối lo sợ của những nhà hoạch định tại Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục cho rằng, với việc cho phép các chính quyền địa phương trực tiếp phát hành trái phiếu, thị trường nợ địa phương sẽ trở nên minh bạch hơn và dễ điều tiết hơn.

Suy cho cùng, quản lý rủi ro và quy hoạch nợ địa phương, sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển hạ tầng và nguồn cung vốn đầu tư, giữa “tăng trưởng nóng” và phát triển bền vững vẫn đang tiếp tục là một bài toán vô cùng nan giải đối với các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.

Nguồn VietNamNet


Sự kiện