Đồng baht Thái lao dốc vào ngày 02/07/1997 là khởi nguồn của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ảnh: Reuters.

 
Nguyên Hồ Thứ Ba | 05/07/2022 13:00

Gần 25 năm sau khủng hoảng tài chính, châu Á lại bị “thách thức”

Những sự kiện đầy biến động trên toàn cầu ngày nay đang thách thức sự ổn định mà châu Á khó khăn lắm mới giành được.

Ngày 2/7/1997, chính phủ Thái Lan không thể tiếp tục neo đồng baht vào USD, khiến giá baht lao dốc. Ngày hôm đó đánh dấu sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, lan sang cả các khu vực như Indonesia và Hàn Quốc, khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải thực hiện các biện pháp giải cứu.

Đúng 1/4 thế kỷ trôi qua, khu vực này lại phải đối mặt với những thách thức mới. Với việc các nền kinh tế toàn cầu vật lộn để tìm chỗ đứng khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, còn cuộc chiến tại Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt.

Người dân Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng 1997. Ảnh: AP.
Người dân Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng 1997. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ khiến các nhà đầu tư có nguy cơ rút vốn ra khỏi châu Á. Nhiều loại tiền tệ trong khu vực đang giảm sâu so với USD, điều này làm tăng chi phí của các khoản nợ bằng USD.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia ở châu Á đã trở nên bền bỉ trước các cuộc khủng hoảng tài chính trong 25 năm qua, một phần nhờ vào quá trình công nghiệp hóa và hệ thống tài chính mạnh mẽ hơn. Nhiều công ty toàn cầu đang đầu tư vào khu vực, nhằm khai thác thị trường lao động chi phí thấp hơn và dân số trung lưu ngày càng tăng. Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt lên dẫn trước và số hóa đã tiếp thêm động lực cho khu vực.

Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát động Sáng kiến ​​Chiang Mai vào năm 2000, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho phép các bên ký kết vay USD của nhau. Bên cạnh nhiều thỏa thuận hoán đổi song phương, 13 quốc gia cũng đã thành lập Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO), một đơn vị giám sát kinh tế vĩ mô khu vực thuộc Sáng kiến ​​Chiang Mai.

Ông Koji Sako, Phó giáo sư tại Đại học Quốc tế Josai của Nhật Bản, chỉ ra rằng mặc dù sự phụ thuộc tổng thể của khu vực vào đồng USD không giảm trong 25 năm qua, nhưng khả năng phục hồi đã được cải thiện rất nhiều.

"Các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về mặt công nghiệp hóa trong 25 năm qua, không chỉ do nền kinh tế định hướng xuất khẩu theo hệ thống thương mại tự do, các quốc gia này còn được hưởng lợi từ sự phát triển của Trung Quốc.", ông Sako nhận định.

Nhưng những sự kiện đầy biến động trên toàn cầu ngày nay đang thách sự ổn định mà châu Á khó khăn lắm mới giành được. Các dấu hiệu rủi ro ngày càng tăng.

Theo cơ sở dữ liệu của IMF, gánh nặng nợ chính phủ đã tăng lên ở nhiều nước châu Á trong đại dịch COVID-19.
Theo cơ sở dữ liệu của IMF, gánh nặng nợ chính phủ đã tăng lên ở nhiều nước châu Á trong đại dịch COVID-19.

Các nền kinh tế nhỏ hơn phụ thuộc vào du lịch có xu hướng nợ công cao hơn. Nợ công của Maldives tăng từ 78,8% GDP vào năm 2019 lên ước tính 123,4% vào năm 2021, trong khi của Sri Lanka tăng từ 86,8% lên ước tính 107,2% so với cùng kỳ.

AMRO đã chỉ ra trong báo cáo gần đây: "Giải quyết nợ công và nợ tư nhân cao tích tụ trong đại dịch COVID-19" là một trong những vấn đề quan trọng của khu vực.

"Khi các nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, cả nợ công và nợ tư nhân dự kiến ​​sẽ tăng lên đáng kể”, báo cáo cảnh báo. Quản lý kinh tế vĩ mô sẽ rất khó khăn, đặc biệt là nếu áp lực lạm phát xuất hiện trong bối cảnh nợ chồng chất và hệ thống tài chính suy yếu.

Trong khi đó, Fed vào tháng 6 đã nâng lãi suất chuẩn lên 0.75%, mức tăng mạnh nhất trong 27 năm. Động thái đó đã khiến dòng vốn chảy ra ở các nền kinh tế châu Á và gánh nặng nợ bằng đồng USD sẽ tăng lên ở một số nơi.

Một số Ngân hàng Trung ương ở châu Á cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc thắt chặt nhanh chóng, bằng cách làm cho tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, có nguy cơ bóp nghẹt một số công ty phát triển nhanh trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ đang thua lỗ.

Theo ông Sako, việc thay đổi môi trường kinh doanh cũng có thể là một thách thức. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phá vỡ các liên kết kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đến thương mại trong toàn khu vực. Trong một động thái chiến lược gần đây, Mỹ đã khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) với 13 quốc gia. Nhưng ba nước ASEAN - Campuchia, Lào và Myanmar - không được đưa vào.

Có thể bạn quan tâm:

 Kinh tế Mỹ bước qua quý II đầy khó khăn

Nguồn Nikkei Asia