Gần 20% người dân Nga “chỉ đủ ăn”
Đây là tỷ lệ cao kỷ lục trong lịch sử thu thập số liệu thường xuyên của Nielsen từ 2005. Con số 20% cao gấp nhiều lần tỷ lệ trong thời kỳ khủng hoảng tại Nga vào quý I/2009. Khi đó, chỉ 4 – 7% người Nga không có thu nhập dư thừa để trang trải các sinh hoạt phí khác ngoài thức ăn và nhu yếu phẩm.
Giá cả tăng vọt khiến nhiều người dân gặp khó khăn. Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chạm mức 16,4% trong tháng Tư, vẫn ở tỷ lệ cao mặc dù đã rút khỏi đỉnh 13 năm tại gần 17% trong tháng Ba.
Giá thực phẩm leo dốc nhanh chóng một phần sau khi Nga cấm một số thực phẩm nhập từ phương Tây để trả đũa đòn trừng phạt, bên cạnh việc đồng Rúp mất giá.
Lạm phát cao khiến mức lương thực tế trung bình giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng Ba. Cuối năm 2014, khi Rúp trượt dốc không phanh so với euro và USD, người dân đổ xô tới cửa hàng mua sắm đồ đạc bằng tiền tiết kiệm trước khi giá hàng nhập khẩu tăng.
Giai đoạn mua sắm nóng này đang quay lại “ám” người tiêu dùng, Nielsen nhận xét. “Sau khi dốc hết hầu bao vào cuối năm 2014, người Nga hết tiền để đối phó với đợt tăng giá nhu yếu phẩm đầu năm 2015, khiến họ càng chật vật với mức lương giảm”.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Nga giảm xuống 72 điểm trong quý I, trượt 7 điểm so với quý trước, theo chỉ số Consumer Confidence Index của Nielsen.
Trả lời câu hỏi khảo sát, 55% cho biết họ sẽ giảm các hoạt động ăn chơi bên ngoài. 50% nói sẽ hạn chế mua quần áo, 48% cho biết sẽ chuyển sang các thương hiệu thực phẩm rẻ tiền hơn.
Các hoạt động thắt lưng buộc bụng này đẩy hoạt động chi tiêu tiêu dùng toàn nước Nga tụt 8,7% trong tháng Ba so với cùng kỳ.
Nguồn Bizlive