Nhu cầu sử dụng văn phòng chỉ bằng khoảng một nửa so với trước đại dịch. Ảnh: Bloomberg.

 
Hải Miên Thứ Tư | 28/06/2023 10:35

Gần 155 tỉ USD bất động sản thương mại tại Mỹ có nguy cơ gặp rắc rối

Theo một báo cáo mới từ MSCI Real Assets, gần 155 tỉ USD bất động sản thương mại tại Mỹ có nguy cơ gặp rắc rối.

Theo dự báo của Capital Economics, các bất động sản văn phòng của Mỹ khó có thể lấy lại giá trị cao nhất như thời điểm trước đại dịch, ít nhất là cho đến năm 2040, do nhu cầu về không gian làm việc suy yếu.

Giá trị dự kiến ​​giảm 35% so với mức đỉnh vào cuối năm 2025 và mất thêm 15 năm, hoặc hơn, để phục hồi, khi xu hướng làm việc từ xa định hình lại toàn bộ thị trường bất động sản. Điều tương tự cũng xảy ra với các trung tâm mua sắm khi thương mại điện tử phát triển.

Nhà kinh tế học Kiran Raichura cho rằng, việc phá dỡ và chuyển đổi công năng các tòa nhà văn phòng có thể giúp tránh được việc giảm giá tài sản. "Nhưng cuối cùng chủ đầu tư vẫn phải chịu những chi phí đó. Vì vậy, con đường phía trước sẽ là một hành trình gian nan.", ông nhận định.

Các tổ chức đầu tư lớn hơn, bao gồm Brookfield và Blackstone, đã vỡ nợ với một số tòa nhà văn phòng tại Mỹ, họ chọn ngừng thanh toán khoản vay cho các dự án thay vì phải chi nhiều hơn cho tài sản đang thua lỗ, theo Bloomberg.

 

Đến cuối tháng 3, các tòa nhà văn phòng trên khắp nước này trị giá tổng cộng khoảng 18 tỉ USD đang trong tình trạng phá sản, vỡ nợ, được quản lý bởi tòa án, hay đang thanh lý - theo MSCI Real Assets, một công ty dữ liệu về bất động sản.

Nhu cầu sử dụng văn phòng chỉ bằng khoảng một nửa so với trước đại dịch, theo dữ liệu từ Kastle Systems. Công ty môi giới Savills báo cáo rằng, diện tích cho thuê có sẵn tại các thành phố như San Francisco và Atlanta đã tăng lên 30%. 

Tình trạng khó khăn đang lan rộng trong ngành bất động sản thương mại của Mỹ, với tổng trị giá số tài sản gặp khó khăn đã tăng lên gần 64 tỉ USD trong quý đầu tiên của năm nay. 

Theo một báo cáo mới từ MSCI Real Assets, số lượng tài sản khó khăn đã tăng 10% trong 3 tháng đầu năm. Theo báo cáo, rủi ro cũng hiện ra trước mắt, với gần 155 tỉ USD bất động sản thương mại có nguy cơ gặp rắc rối. 

Chi phí đi vay cao hơn đã gây khó khăn cho ngành bất động sản thương mại, khiến chủ đầu tư phải giảm giá tài sản và một số thì lựa chọn vỡ nợ. Phần lớn tình trạng khó khăn tiềm ẩn gắn liền với các tòa nhà cần tái cấp vốn vào thời điểm mà những ngân hàng đang thắt chặt tín dụng, sau sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực.

Các nhà nghiên cứu của MSCI Real Assets bao gồm Jim Costello và Alexis Maltin đã viết trong báo cáo: “Nếu tình trạng khó khăn tiềm ẩn này được nâng cấp thành vấn đề toàn diện, thì việc bán tài sản hoặc giảm giá là điều không thể tránh khỏi”.

Các văn phòng, vốn cũng đang phải vật lộn với nhu cầu yếu hơn do tình trạng làm việc từ xa và cắt giảm việc làm ngày càng gia tăng, dự kiến các tòa nhà văn phòng với trị giá khoảng 43 tỉ đứng trước nguy cơ vỡ nợ, cao nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào. 

Manhattan (Mỹ) là thị trường thanh lý các tòa nhà văn phòng sôi động nhất, với 2,6 tỉ USD (hay 19%) giao dịch trong 12 tháng tính đến tháng 5. Los Angeles (Mỹ) đứng thứ 2 với 746 triệu USD giao dịch, tiếp theo là Houston với 465 triệu USD giao dịch, theo MSCI Real Assets.

Có thể bạn quan tâm:

 Hà Lan đóng cửa vĩnh viễn mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu

Nguồn Bloomberg