Các chính sách thuế hiện tại trên thế giới không thể đánh thuế chuẩn xác những cá nhân có khả năng nộp thuế cao nhất. Ảnh: The Economic Times.

 
Khánh Tú Thứ Tư | 06/03/2024 17:27

G20 sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu lên giới tỉ phú?

Những người thuộc tầng lớp siêu giàu ở các nền kinh tế lớn đang đóng thuế ít hơn so với người dân bình thường.

Các quan chức tài chính từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã bắt đầu tiến hành thảo luận về việc đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng với các tỉ phú.

Đại diện các quốc gia trong nhóm G20 đã thảo luận về đề xuất này tại cuộc họp cấp cao ở São Paulo (Brazil), hai năm sau khi đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong việc thiết lập mức thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Cơ quan quan sát thuế của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, những người thuộc tầng lớp siêu giàu ở các nền kinh tế lớn đang đóng thuế ít hơn so với người dân bình thường. Không chỉ vậy, khối tài sản khổng lồ của những người giàu có này hầu như không bị đánh thuế, với mức thuế thực tế chỉ từ 0-0,5%.

Các hành vi trốn thuế bất hợp pháp như lợi dụng các lỗ hổng trong hệ thống thuế hay đơn giản là chuyển sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn đều đang làm giảm đi nguồn thu nhập vô cùng cần thiết của các chính phủ trong bối cảnh nợ nần gia tăng. 

 

Ông Gabriel Zucman, Giám đốc nhóm nghiên cứu do EU tài trợ, cho biết việc đánh thuế lũy tiến là một trụ cột chính của xã hội dân chủ. Các chính sách thuế hiện tại trên thế giới không thể đánh thuế chuẩn xác những cá nhân có khả năng nộp thuế cao nhất.

Một báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Oxfam cho biết, ở những quốc gia như Brazil, Pháp, Ý, Anh và Mỹ, những người giàu có phải trả mức thuế thực tế thấp hơn so với người lao động bình thường. Cơ quan quan sát thuế của EU cũng đề xuất một số ý tưởng ban đầu để thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu là 2% đối với tài sản ròng của các tỉ phú. Điều này đồng nghĩa với giá trị tài sản sau khi trừ đi các khoản nợ, và ước tính rằng mức thuế này có thể mang lại khoản thu ngân sách 250 tỉ USD mỗi năm cho các quốc gia.

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận giữa các quốc gia trong nhóm G20, bao gồm cả Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Ả Rập Saudi và Argentina, sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể mất rất nhiều thời gian để đi đến sự đồng thuận chung. 

“Cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu áp dụng cho các tập đoàn lớn cũng phải mất nhiều năm để đạt sự đồng thuận. Song, việc có được một thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực này đã là một tiến triển đáng kể”, ông Quentin Parrinello, Cố vấn chính sách cấp cao của Cơ quan quan sát thuế EU, cho biết. 

Theo ông Parrinello, những người giàu có có thể che giấu tài sản để tránh thuế bằng cách đầu tư vào các công ty cổ phần, quỹ tín thác hoặc sử dụng tài sản làm thế chấp cho các khoản vay. Giáo sư Arun Advani tại Đại học Warwick cho biết, việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỉ phú sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc áp dụng mức thuế cho các tập đoàn lớn. Các công ty đa quốc gia có trụ sở ở nhiều quốc gia khác nhau, giúp cho các chính phủ dễ dàng xác định cần đưa ra yêu cầu nộp thuế đối với doanh nghiệp. Qua đó, có thể đánh giá liệu công ty có tuân thủ mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Ngược lại, các tỉ phú thường có mức độ di động cao hơn nên nên khó xác định được cơ quan hay vùng lãnh thổ quốc gia nào cần đưa ra yêu cầu đóng thuế đối với họ.

“Không thể xác định vị trí chính xác của những người này. Họ có thể nói họ sẽ dành nhiều thời gian ở London để đi xem phim hay mua sắm ở New York. Nhưng họ lại muốn thuế của họ được tính ở một quốc gia cụ thể nào đó”, ông Advani nói. 

Ông cũng cho biết các cá nhân thường phải đóng nhiều loại thuế hơn so với các công ty, bao gồm thuế thu nhập, lãi vay và các khoản đóng góp cho an sinh xã hội. Việc cân bằng tất cả những yếu tố này trên phạm vi quốc tế là một điều khó khăn.

Có thể bạn quan tâm:

Sự hiện diện kinh tế của Nhật ở Đông Nam Á không suy giảm

Nguồn CNN