Thứ Bảy | 16/02/2013 15:04

G20 lo phục hồi kinh tế

Cao ủy Liên minh châu Âu về kinh tế và tiền tệ cho kêu gọi các thành viên G20 cần tập trung vào cải cách cơ cấu.
Ngày 15/2, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi đã họp tại Moscow của Nga. Nội dung cuộc họp lần này tập chung chủ yếu vào chính sách tài khóa và tiền tệ mà các nước đang áp dụng cũng như vấn đề về nợ công và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phát biểu trước Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các nước G20 lấy lại sự cân bằng kinh tế và có một chiến lược rõ ràng để đưa nền kinh tế vào con đường phát triển bền vững.

Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay đòi hỏi chúng ta cần có hành động trách nhiệm và thống nhất. Thời điểm khủng hoảng cục bộ đã qua. Các vấn đề tài chính ở các nền kinh tế hàng đầu có tác động nhất định đối với nền kinh tế toàn cầu. Không một nước nào có thể một mình đối phó với các thách thức mới".

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ, Nhật Bản, Anh và Khu vực đồng euro là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Tại cuộc họp, Cao ủy Liên minh châu Âu về kinh tế và tiền tệ Olli Rehn cho biết, các nước thành viên G20 cần tập trung vào các cải cách cơ cấu hơn là các gói kích thích tiền tệ và tài chính ngắn hạn: "Tôi cho rằng, để đạt được sự tăng trưởng cân bằng và bền vững, các thành viên G20 cần tập trung nhiều hơn vào các cải cách cơ cấu hơn là các gói kích thích tiền tệ và tài chính ngắn hạn. Do đó, điều cần thiết là tạo ra điều kiện cho nhu cầu tư nhân có thể sẵn sàng tiếp quản từ nhu cầu công cộng".

Các ngân hàng trung ương Nhật Bản và Mỹ đã có các chính sách mua trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản cũng muốn áp dụng thêm gói kích thích kinh tế. Theo ông Olli Rehn, những chính sách như vậy đã dẫn tới làm suy yếu đồng đôla và đồng yên, khiến xuất khẩu của các nước này được tăng tính cạnh tranh, điều mà một số nhà hoạch định chính sách gọi là "cuộc chiến tiền tệ".

Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Lael Brainard kêu gọi G20 tránh định giá thấp tiền tệ của các nước này nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh, điều sẽ đe doạ tăng trưởng kinh tế. Theo ông, để đảm bảo phù hợp chiến lược tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng như thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, G20 cần đưa ra cam kết nhằm hướng tới những tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định và cố gắng không định giá thấp để cạnh tranh.

"Các nước G20 sẽ phải đưa khuôn khổ tỷ giá hối đoái vào một trật tự để chúng ta có thể cùng tăng trường và tránh sự đi xuống theo hình xoắn ốc hay các chính sách "làm nghèo hàng xóm", ông Brainard nói.

Trước đó, nhóm các nước G7 (gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada và Italy) đã ra tuyên bố chung, theo đó, các nước thành viên cam kết áp dụng tỷ giá theo cơ chế thị trường, đồng thời cho rằng, các chính sách tài khóa và tiền tệ không nên hướng đến mục đích phá giá đồng tiền.

Các nước G20 hiện chiếm 90% GDP toàn cầu và 2/3 dân số thế giới.

Nguồn VOV News


Sự kiện